Nếu có ai hỏi bạn rằng giá trị của một chiếc áo khoác nằm ở đâu, câu trả lời có thể là kiểu dáng, chất liệu vải, thương hiệu… Bạn còn nghĩ tới gì khác không?
Nếu không, bạn cũng như rất nhiều người đã bỏ sót một chi tiết rất nhỏ khác: bộ dây kéo – và đó là nơi một gã khổng lồ ngự trị: YKK.
Một bộ dây kéo thì chẳng đáng bao nhiêu so với giá trị của cả chiếc áo, nhưng chỉ cần nó hỏng thì cả chiếc áo sẽ trở thành đồ bỏ đi. Đặc biệt, đối với những thương hiệu thời trang lớn, việc bị hỏng chiếc dây kéo – thứ mà họ dành ít sự quan tâm nhất – có khả năng hủy hoại danh tiếng suốt bao năm trời gầy dựng.
Bộ dây kéo đầu tiên được cấp bằng sáng chế cho một người Thụy Điển nhập cư vào Mỹ. Kể từ đó, dây kéo trở thành một sản phẩm phổ biến được sử dụng trong rất nhiều ngành nghề. Thế nhưng, người đầu tiên tạo ra và nơi đầu tiên xuất hiện không có nghĩa sẽ có được sản phẩm tốt nhất. (Hãy nhớ facebook cũng chẳng phải mạng xã hội đầu tiên xuất hiện.)
Năm 1932, chàng thanh niên Tadao Yoshida 24 tuổi xin vào làm cho một công ty sản xuất dây kéo. Vốn là một người tỉ mỉ, hứng thú với những chi tiết nhỏ, Tadao nhanh chóng có tình cảm với những chiếc khóa. Hai năm sau, công ty chẳng may phá sản. Xác định rằng định mệnh đời mình nằm ở chiếc dây kéo, Tadao Yoshida thành lập công ty Yoshida Kogyo Kabushikikaisha tại Tokyo (YKK – có ý nghĩa là Công ty TNHH Yoshida), quyết định phát triển sự nghiệp với những bánh răng.
Ban đầu, sản phẩm dây kéo của YKK được sản xuất bằng tay, với chất lượng và năng suất chỉ ở mức thấp. Công ty trải qua nhiều thăng trầm trong suốt giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, có lúc phải đóng cửa vì nhà máy bị thiêu rụi. Sau khi cuộc chiến kết thúc, YKK từng bước khôi phục kinh doanh. Bước ngoặt lớn nhất đến với YKK vào năm 1950. Biết rằng cứ mãi ấp ủ thủ công không phải là cách, Tadao quyết định đánh bạc mua thêm dàn máy tự động từ Mỹ. Làn sóng cải tiến sản xuất mạnh mẽ khởi nguồn từ Toyota lan rộng khắp Nhật Bản. Hưởng ứng phong trào đó, YKK dần hoàn thiện quy trình sản xuất, củng cố chất lượng và hình thành một chuỗi giá trị khép kín. Chi tiết sản xuất chưa bao giờ được hé lộ (YKK từ chối mọi cuộc phỏng vấn chi tiết về công ty) nhưng người ta biết rằng, YKK tự làm cả chiếc hộp giấy đựng bộ dây kéo. Công ty có những bước tiến thần tốc ra toàn cầu và trở thành tên tuổi khổng lồ trong ngành dây kéo.
Ngày nay, cái tên YKK gần như vô nghĩa đối với phần đông mọi người. Chẳng ai mua một sản phẩm quần áo vì chữ YKK trên dây kéo và YKK cũng chẳng cần tốn tiền quảng cáo thương mại đến người tiêu dùng. Thế nhưng, đối với những nhà sản xuất và thiết kế thời trang, YKK có nghĩa là chất lượng và tin cậy tuyệt đối. Không ai dại tiết kiệm vài xu (mua dây kéo rẻ hơn – đặc biệt của Trung Quốc) để đánh đổi giá trị của những sản phẩm có giá gấp mấy nghìn lần.
Từng có một thời dân IT thường nói đùa với nhau, “bạn không thể bị sa thải khi xài Microsoft.” Dĩ nhiên, dân IT có vô vàn lựa chọn khác thậm chí cho kết quả tốt hơn nhưng một khi công việc có vấn đề, cấp trên sẽ lập tức chất vấn tại sao họ không sử dụng một sản phẩm tin cậy đã được khẳng định. YKK đơn giản chính là Microsoft của ngành thời trang, hơn 50% thị phần dây kéo thế giới đủ làm cho những người đa nghi nhất cũng phải im lặng.
Lần tới, nếu bạn nghĩ thế giới này đã quá chật chội thì hãy mở mắt ra. Thế giới rộng hơn bạn tưởng, và chẳng cần phải làm những thứ lớn lao thì mới đáng mặt anh hào. Rất rất nhiều người đã gầy dựng những thứ khổng lồ chỉ bằng cách cải tiến những thứ nhỏ nhoi.