Tuyệt học tại tâm

Tiêu Viễn Sơn (Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung) bị Mộ Dung Bác lập kế làm chết cả nhà, phẫn chí trốn vào Thiếu Lâm Tự lén học võ công chờ ngày báo thù. Lần đầu lục lọi Tàng Kinh Các, Tiêu Viễn Sơn tìm được một bộ Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ, rồi tiếp đó là Bát Nhã Chưởng Pháp, vốn là những bộ võ công tuyệt học Thiếu Lâm, lấy làm mừng lắm, từ đó ngày đêm luyện không nghỉ.

Mộ Dung Bác vốn dòng dõi vương gia nước Đại Yên, lòng ôm mộng phục quốc, cũng lén vào Thiếu Lâm Tự học võ công. Tìm được một bộ 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm thì sao ra một bản rồi mới trả về chỗ cũ.

Võ công Thiếu Lâm, theo lời Vô Danh Thần Tăng trong Tàng Kinh Các, vốn là để phật tử luyện tập cho thân thể cường tráng và làm việc thiện. Các võ công này có thể hại người, nên trong lòng bản thân phải có lòng từ bi làm gốc. “Nếu không chịu lấy Phật học làm cơ sở thì khi luyện võ sẽ làm tổn thương mình trước. Công phu luyện càng thâm sâu, thân mình bị thương càng nặng.”

Cưu Ma Trí đại sư Thổ Phồn cũng không hiểu bản chất võ công Thiếu Lâm. Vốn là nhà sư, nhưng lại quá đam mê võ học, Cưu Ma Trí đã sử dụng nội công phái Tiêu Dao để luyện 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm. Như đã nói, tuyệt kĩ Thiếu Lâm vốn phải được luyện dựa trên nền tảng từ bi: võ công càng mạnh, càng phải từ bi. Tuy nhiên, Cưu Ma Trí luyện công dựa trên tham vọng, nên đòn đánh hiểm ác, vừa hại người, vừa khiến kinh mạch bản thân bắt đầu bị chính cái tham vọng làm cho ảnh hưởng đến nỗi gần như không cứu được.

Bản thân võ công Thiếu Lâm chỉ là công cụ giúp lòng từ bi được biểu hiện ra ngoài. Thiếu lòng từ bi, bản thân võ công chỉ hóa thành công cụ hại người, gây hại nhiều hơn lợi, từ đó hại người, hại mình, tục gọi là sa vào ma đạo. Lòng tham càng nhiều, công cụ càng lợi hại, thì lún càng sâu.

Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác không hiểu điều đó. Cưu Ma Trí không hiểu điều đó. Và nhiều người cũng không hiểu điều đó.

Đắc nhân tâm (Dale Carnegie) thường được mọi người xem là quyển bí kíp lấy lòng người, vô địch thiên hạ. Gọi tên người đối diện, hay rót cho người đối diện niềm tự hào, tất cả những chiêu thức này được gói gọn thành bộ và được lưu truyền rộng rãi, không khác gì võ công Thiếu Lâm khi xưa. Tuy nhiên, đa số đều chỉ học phần ngọn mà quên đi phần gốc: Đắc nhân tâm về bản chất là những công cụ để một con người thật tâm có thể biểu lộ sự chân thành của mình ra ngoài (bởi sự chân thành không được biểu lộ sẽ không có giá trị bằng sự chân thành được biểu lộ rõ ràng). Vậy vấn đề nằm ở chỗ, muốn học Đắc nhân tâm, trước tiên phải giữ trong mình lòng từ bi, sự thật tâm làm gốc. Sự thật tâm ấy thông qua các công cụ Đắc nhân tâm sẽ phát tiết ra ngoài, từ đó tạo hiệu quả cho bản thân người dùng và những người xung quanh.

Tiếc là luyện chiêu thức thì dễ, luyện sự chân thành mới khó. Và người ta bỏ qua phần gốc, chỉ nắm phần ngọn, để rồi trở thành những con người giả tạo.

Buồn cười thay loài người: Họ cứ đi tìm võ công tuyệt học mà quên mất rằng, mọi thứ phải bắt đầu từ một chữ tâm.