Từ thiện – Đã đến lúc thôi ngửa tay

Từ thiện luôn là một câu chuyện nóng bỏng. Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn dù ít hay nhiều đều là việc đáng quý. Thế nhưng, cách thực hiện lại là vấn đề tranh cãi không hồi kết. Chán ngấy với vòng xoáy ngửa tay xin tiền đầy phụ thuộc, một anh chàng người Mỹ đã thử nghiệm một hướng đi mới.

Năm 2006, trong chuyến du lịch đến Argentina, Blake Mycoskie có dịp chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, anh chàng rất muốn ra tay giúp đỡ. Thế nhưng, cũng như những người tốt khác, phàm nơi nào đã khó khăn thì đời sống kém đều mọi mặt, sức mỗi con người thì có hạn, suy cho cùng họ cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, sau khi quan sát một lượt, Blake nhận thấy hầu hết những đứa trẻ nơi đây đều đi chân không. Cũng dễ hiểu, chạy ăn từng bữa còn khó nói gì đến ăn mặc, việc không có gì mang gây rất nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày của bọn trẻ. Nếu đã không thể làm gì lớn lao, hãy bắt đầu từ những thứ nho nhỏ, Blake nghĩ mình có thể làm chút gì đó.

Khi trở về Mỹ, Blake Mycoskie thành lập Toms Shoes. Phương châm khởi đầu của công ty hết sức đơn giản, với mỗi đôi giày khách hàng mua, hãng sẽ tặng đôi tương tự cho một đứa trẻ ở những vùng khó khăn. Thông thường, những tổ chức muốn làm từ thiện phải quyên góp từ các mạnh thường quân, số tiền nhận được sẽ dùng mua tặng phẩm mang đi phân phát. Vấn đề nằm ở chỗ, các mô hình này không thật sự bền vững. Việc quyên góp tùy lòng hảo tâm, và việc “cho đi mà không nhận lại” ở chừng mực nào đó luôn có giới hạn. Hơn nữa, những sự kiện như thế chỉ mang tính thời điểm. Tình nguyện viên chỉ có thể dư giả thời gian làm vài lần, họ còn công việc riêng, và nếu cứ tổ chức kiểu ngắt quãng như thế chẳng khác nào lấy muối bỏ bể.

Toms Shoes lựa chọn một cách tiếp cận khác. Khách hàng (người đóng góp) ở đây thật sự nhận được một sản phẩm hữu ích. Giày của Toms không phải làm cho có, nó là một sản phẩm đẹp, thời trang và giá tiền phù hợp với thu nhập của những người bình thường nhất (50-100$). Phần lợi nhuận từ mỗi đôi giày sẽ được chi trả cho một đôi giày khác tặng bọn trẻ, chi phí hoạt động của các nhân viên và phần quỹ phát triển công ty. Hơn thế nữa, bằng việc thành lập nhà máy sản xuất ngay tại những vùng khó khăn, không những chỉ giúp đỡ trẻ em, giờ đây công ty còn tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng. Mô hình của Toms gần như khép kín, và nó nhanh chóng chứng minh hiệu quả.

Cho đến đầu năm 2016, Toms Shoes đã cung cấp hơn 50 triệu đôi giày cho trẻ em ở vùng khó khăn. Công ty mở rộng thêm hoạt động kinh doanh với cùng cách thức như: bán mắt kính hỗ trợ chi phí điều trị về mắt cho 400.000 trường hợp; bán cà phê hỗ trợ hàng tỷ lít nước sạch và bán túi xách hỗ trợ kiến thức và dụng cụ cho 25.000 bà mẹ khi sinh. Sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã mang lại rất nhiều kết quả thiết thực trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, và quan trọng hơn cả, nó vẫn ngày càng mở rộng.

Mua được một món đồ yêu thích thật vui. Nhưng mua được một món đồ yêu thích đồng thời giúp đỡ được những trường hợp khó khăn thì còn tuyệt vời hơn. Ai cũng muốn đóng góp chút gì đó nếu có thể, và Blake Mycoskie đơn giản cho mọi người thêm sự lựa chọn. Thay vì cứ trăn trở giữa con cá và cần câu, tại sao không dựng nên cái lưới để mọi người cùng góp sức. Chỉ bằng một lực kéo, cùng nhau chúng ta có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.