Ngày nay, nền tảng chia sẻ xe kiểu Uber đã xâm nhập thành công ở rất nhiều nơi trên thế giới, trở thành ông hoàng mới trên sân chơi vận chuyển. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong quá trình chinh phạt, đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra, mà đôi khi bước ngoặt thành công của họ lại đến từ sự trợ giúp “tận tình” của… đối thủ.
London là pháo đài thứ 11 Uber tiến hành chinh phạt. Trước khi họ đến, nơi đây cũng như bao nơi khác, vốn là địa bàn của các doanh nghiệp taxi truyền thống mà tiêu biểu là Addison Lees và binh đoàn taxi đen đắt đỏ nhưng tiện nghi. Addison Lees có 4.500 xe, binh đoàn đen khoảng 9.000 xe, và chưa kể đến khoảng 3.000 xe chạy dưới dạng tư nhân. Họ gần như hùng bá một cõi, và không thể hình dung nổi kẻ thách thức nào có đủ khả năng hạ bệ mình.
Quả thật những ngày đầu đối với Uber cũng không phải dễ ăn gì. Quay ngược thời gian trở về 6 năm trước, khái niệm xe chia sẻ không hề phổ biến ở thời điểm năm 2012, và hầu hết người dân London cũng chẳng hiểu rõ thứ này là gì. Vài nhân viên ít ỏi của công ty phải lần mọ từng bước, từ tìm kiếm tài xế cho đến quảng bá cho mọi người biết cách dùng, và mọi chuyện tiến triển vô cùng chậm chạp.
Mức độ tiện nghi và mức giá kiểu Uber giờ thì ai cũng biết, nhưng trong khoảng 2 năm đầu, đó vẫn là cuộc chiến nảy lửa giữa các bên. London cũng có app gọi xe riêng của mình – Hailo – và mức giá nhìn chung cũng không cao hơn Uber là mấy. Cho đến khi Uber giới thiệu dịch vụ UberX với một mức giá tiết kiệm hơn, tình hình mới bắt đầu sáng sủa hơn cho đoàn quân chinh phạt; mặc dù vậy, mức độ nhận dạng thương hiệu của họ vẫn còn rất yếu. Khi những tưởng họ sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian và nguồn lực quảng bá nữa mới thành đại sự thì một bước ngoặt bỗng nhiên xảy đến.
Hóa ra, từ khi UberX hoạt động, tin đồn về một dịch vụ xe có mức giá vi diệu đã làm các hãng taxi truyền thống tại London nóng mặt. Lo sợ dần dà sẽ bị mất thị phần, họ quyết định rằng: đánh rắn phải đánh dập đầu. Giới tài xế của Addison Lees, binh đoàn đen cùng các hãng tư nhân khác triệu tập một hội nghị kiểu Diên Hồng, và quyết định sẽ cùng nhau nổi loạn đình công một bữa để phản đối Uber.
Đúng như kế hoạch, ngày 11 tháng 6 năm 2014, vào giờ nghỉ trưa, đồng loạt gần 10.000 tài xế taxi các hãng nghỉ làm, và đậu xe của mình hai bên đường, kéo dài suốt từ khu Cầu Lambeth cho đến Westminster, gây tắc đường hàng loạt. Nếu như Uber phải mất suốt 2 năm nay để chầu chực giới truyền thông đưa tin về mình thì giờ đây họ không cần phải ngóng cổ nữa. Đồng loạt tất cả các phương tiện truyền thông từ lớn đến bé tường thuật về cuộc tổng đình công của giới tài xế taxi chống lại Uber. Và đó chính là khoảnh khắc các tài xế taxi truyền thông nhận ra, người tính không bằng trời tính.
“Uber là gì?” chính là câu hỏi đột nhiên xuất hiện trong đầu người dân London. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, lượt tìm kiếm và tải ứng dụng Uber tăng lên chóng mặt, ước tính đã có một sự tăng trưởng thần tốc lên đến 850% lượt tải app. Thế trận bỗng xoay chiều và cái tên Uber vụt lên thành ngôi sao sáng chỉ trong vòng một ngày.
Phần còn lại chính là lịch sử, như chúng ta đã biết tương tự ở Việt Nam. Chiêu phủ đầu của các hãng taxi truyền thống London đã dính ngay quả phản tác dụng. Nhiều sai lầm có thể sửa chữa nhưng có những sai lầm, một khi phạm phải, tình thế sẽ không thể nào cứu vãn được nữa. Chủ động tấn công là tốt, nhưng hãy cẩn thận với sự tò mò của đám đông. Một khi gió xoay chiều, nó sẽ biến thành mồi lửa, thiêu rụi hết cả những tường thành vững chắc nhất. Nếu lỡ nước hai xe còn bỏ thí, thì 10.000 xe cũng chẳng có kết cục khá hơn. Một bài học kinh điển về chiêu gậy ông đập lưng ông.