Nếu Archimedes từng nói “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể nâng cả Trái đất này lên” thì nghệ sĩ Cattelan cũng có thể nói rằng: “Hãy cho tôi trái chuối và một đoạn băng dính, tôi sẽ khiến truyền thông khắp thế giới chú ý.”
Ngày 04/12/2019, cả thế giới nghệ thuật nói riêng và truyền thông khắp nơi nói chung không ngớt lời trầm trồ về một tác phẩm nghệ thuật lạ lùng của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan có tên “Diễn viên hài.”
Là một nghệ sĩ nổi tiếng với phong cách độc, lạ, thách thức, ông từng từng tạo ra chiếc bồn cầu bằng vàng 18 carat trị giá đến 6 triệu USD; và tác phẩm này cũng đã bị đánh cắp tại Cung điện Bleinheim ở Anh hồi tháng 9-2019.
Nhưng chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như tác phẩm “Diễn viên hài” không quá đơn gian đến độ chỉ bao gồm 1 trái chuối được dán lên tường bằng một mẩu băng dính – và từng bán được 2 lần cho các nhà sưu tập Pháp với cái giá… 120.000 USD.
Trái chuối – băng dính – 120.000 USD – và chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh của nó ngay lập tức trở thành cơn sốt lan truyền từ online đến offline. Bà con thi nhau đổ xô đến để được chụp ảnh với “tác phẩm nghệ thuật” ảo diệu này. Thậm chí, theo lời quản lý phòng trưng bày, “trái chuối đó được chụp ảnh còn nhiều hơn Mona Lisa”.
Cảm thấy chưa đủ độ “drama”, ngày 07/12, một người đàn ông tên David Datuna khi đến xem triển lãm đã vô tư bước đến, tháo miếng băng dính và…. ăn trái chuối ngon lành. “Trái chuối 120.000 bị ăn ngay tại triển lãm.” Quả là một cái tít nóng bóng cho truyền thông bay vào “đớp”.
Huyền thoại truyền thông tinh quái Harry Reichenbach từng viết trong quyển sách Bóng ma danh vọng rằng: Những xu hướng thịnh hành kỳ dị mà từng cá nhân khởi xướng rồi đám đông theo sau sẽ không bao giờ có điểm dừng. Bí quyết của ông chính là, dù chuyện có vẻ vớ vẩn thế nào, chỉ cần biết cách liên kết sản phẩm với phong trào hay xu hướng đương thời, kết quả của chiến dịch truyền thông đạt được – tuy chỉ bỏ ra rất ít công sức và chi phí – lại tỏ ra hiệu quả đáng kinh ngạc.
Hãng Universal Film có một bộ phim với tựa đề “Ngoài vòng pháp luật” và quyết định thuê Reichenbach giới thiệu. Đó là một bộ phim về thế giới ngầm, do diễn viên tên Priscilla Dean thủ vai chính. Bơm quảng cáo phim kiểu thông thường vừa tốn kém mà mức độ hiệu quả cũng không lấy gì làm chắc chắn. Với một người giàu chiêu trò như Reichenbach, luôn có một con đường vòng để đi…
Cùng thời điểm đó, ở Mỹ có một tổ chức là Hội Ngày của Chúa – một hội tầm cỡ quốc gia – muốn ra tung một chiến dịch nhằm đưa ngày Chủ nhật Xanh vào lịch. Vào ngày đó, họ muốn mọi người không có hoạt động vui chơi mà thay vào đó là hoạt động tôn giáo. Tuy bộ phim “Ngoài vòng pháp luật” không hề liên quan gì đến ngày Chủ nhật Xanh, nhưng vẫn có cách “té nước theo mưa”.
Chẳng nói, chẳng rằng, tin tức trên báo bỗng xuất hiện mô tả lý tưởng của Hội Ngày của Chúa, rằng họ muốn có luật cấm chơi bóng chày, chơi gôn, xem phim, bi-da và hầu như tất cả các hoạt động khác. Con người ta vào chủ nhật chỉ được phép ngồi trong nhà chẳng làm gì, có thể chỉ trừ chơi lô tô.
Các bảng quảng cáo nhấn mạnh vào mấy dòng chữ như:
NẾU BẠN KHIÊU VŨ VÀO CHỦ NHẬT
BẠN ĐÃ Ở
NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
—
NẾU BẠN CHƠI GÔN VÀO CHỦ NHẬT
BẠN ĐÃ Ở
NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
—
NẾU BẠN ĐI XE VÀO CHỦ NHẬT
BẠN ĐÃ Ở
NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
—
NẾU BẠN CHƠI BI-DA VÀO CHỦ NHẬT
BẠN ĐÃ Ở
NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
Thế là một bóng xanh tối tăm phủ khắp nước Mỹ. Ở mọi thị trấn, những con người tội nghiệp bắt đầu bàn qua bàn lại xem, nếu luật được thông qua thì chuyện gì sẽ xảy ra, và ai sẽ là người thông qua luật đó.
Khi người dân Mỹ thấy những tuyên bố này với một con dấu có chữ “P. D.” ở góc trên bên phải, họ tự hiểu rằng Sở Cảnh sát (Police Department) đã tham gia vào vụ này, nghĩa là luật Chủ nhật Xanh sẽ được thông qua!
Khi bàn tán lên đến cao trào, hãng Universal Films công bố một bức thư cho tất cả các hiệp hội giải trí trên toàn quốc, tiếp theo đó là nội dung quảng cáo với lời trấn an:
ĐỪNG NGHE NHỮNG TUYÊN BỐ DỐI TRÁ!
BẠN KHÔNG Ở
NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT
NẾU KHIÊU VŨ VÀO NGÀY CHỦ NHẬT!
Sau loạt quảng cáo này khoảng 1 tuần, quảng cáo về bộ phim “Ngoài vòng pháp luật” lần đầu tiên xuất hiện trên khắp các báo ở New York, với diễn xuất chính của Priscilla Dean sẽ mở màn ở 4 rạp lớn ở New York vào chủ nhật tuần sau. Mức độ quan tâm lớn đến nỗi đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giải trí một bộ phim khởi chiếu cùng lúc ở 4 rạp khác nhau ở trong cùng một thành phố.
Chỉ còn duy nhất một điều khó hiểu về các quảng cáo này là chưa được giải đáp. Có một cảnh sát đã đến văn phòng hãng Universal để tra hỏi vì sao lại cho đóng dấu có chữ “P. D.” lên. Nhưng thực ra đó là chữ viết tắt tên diễn viên Priscilla Dean mà thôi!
Quay trở về hiện tại với tác phẩm trái chuối, sau khi người đàn ông David Datuna ăn mất trái chuối 120.000 USD và báo chí cũng đã đưa tin khắp nơi, tác giả mới xuất hiện và giải thích rằng thật ra tác phẩm nghệ thuật này chỉ là Ý TƯỞNG, trái chuối bị ăn thì thay bằng trái chuối khác thôi, và Ý TƯỞNG này mới là thứ trị giá 120.000 USD (dù chuyện thực sự có bán hay không thì rất khó kiểm chứng.)
Trái chuối băng dính cuối cùng hóa thành trào lưu, và được cả những hãng như Burger King phụ họa thêm, còn tên tuổi của Maurizio Cattelan nổi như cồn.
Hai câu chuyện, hai khoảng thời gian khác nhau, nhưng đều có chung một điểm: mọi chuyện xuất phát từ những thứ hết sức vớ vẩn – được đẩy lên mức độ quan tâm cao trào – và kết thúc theo cách hết sức… huề tiền. Không ai bị trừng phạt cả, chi phí chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng truyền thông và đám đông đã có một “bữa tiệc” thịnh soạn .
Ta không cần tìm đến truyền thông, hãy nghĩ cách cho truyền thông tìm đến ta.
———
@Nguồn câu chuyện: Sách BÓNG MA DANH VỌNG: Những chiêu trò tinh quái của huyền thoại truyền thông Harry Reichenbach.