Nếu từng xem qua các trận bóng đá quốc tế trên truyền hình, ắt hẳn bạn sẽ cảm nhận được sự nhịp nhàng. Đôi lúc có cảm tưởng như thứ chúng ta xem không đơn thuần là một trận đá bóng nữa, nó giống như một bộ phim với sự ăn rơ tài tình giữa hình ảnh cùng những lời bình luận.
Khi có một bàn thắng trong tư thế việt vị xảy ra, ngay sau đó là vẻ mặt tiếc nuối lần lượt của cầu thủ ghi bàn, khán giả, huấn luyện viên cũng như khung cảnh trọng tài biên đang giương lên lá cờ. Trong khoảnh khắc, những đoạn quay lại từ nhiều góc độ giúp xem xét thời điểm khi bóng được chuyền đi, vị trí của các cầu thủ, và rằng quyết định của trọng tài là đúng hay là sai. Tương tự như thế, những pha phạm lỗi, các tình huống hưởng phạt đền, những diễn biến nóng trên sân đều được máy quay lia vào đủ các chi tiết quan trọng, cứ như thể đạo diễn hiểu được người xem đang cần gì và muốn xem gì. Tất cả chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng vài giây, tận dụng thời gian bóng chết để nhanh chóng quay lại diễn biến chính của trận đấu vốn đang được phát sóng.
Nếu như đối với những bộ phim, thời gian trau chuốt chỉnh sửa có thể kéo dài nhiều ngày, có khi lên đến vài tháng thì đối với những trận đấu đang truyền hình trực tiếp, việc lựa chọn những khung cảnh hiển thị phải diễn ra trong tíc tắc. Vậy, làm thế nào họ có thể nắm bắt được trong đầu khán giả đang nghĩ gì?
Thực ra, bí quyết đó vô cùng đơn giản. Những người đang quay không nghĩ mình chỉ là người bấm máy bên ngoài, họ xem bản thân như một khán giả thực thụ. Trong đầu họ luôn vang lên câu tự hỏi: Nếu là người đang ngồi trước màn ảnh, mình sẽ muốn xem những gì? Họ tự đặt mình vào trong trận đấu, trong đầu khán giả và dồn tất cả cảm xúc tình yêu phiêu theo trái bóng. Khi không khí trận đầu nóng lên cuồng nhiệt, tim họ đập loạn. Khi cảm giác tiếc nuối sau một đường bóng bao trùm khán đài, nhịp thở họ trở nên hẫng hụt. Khi những dòng nước mắt buồn bã tuôn rơi, lòng họ cũng chất đầy cảm giác tan vỡ. Tất cả được chuyển tải những khung hình không lời, những tưởng vô tri nhưng ngập tràn xúc cảm.
Đỉnh cao của một cuộc giao tiếp đôi khi không cần đến tiếng nói. Những nhân viên bán hàng kì cựu thoạt trông luôn có thể biết được khách hàng đang cảm thấy thế nào mà điều chỉnh động thái. Những hành động cử chỉ như mỉm cười hay cúi chào tuy nho nhỏ nhưng có thể lướt qua lời nói truyền thẳng đến trái tim người đối diện. Một doanh nghiệp với toàn thể nhân viên thấu hiểu được tình trạng của công ty mà cùng nhau cố gắng ắt hẳn sẽ hơn hẳn những công ty với những cái đầu đang vẩn vơ đâu đâu. Một nhà quảng cáo đôi lúc không cần tìm kiếm đâu xa tâm tưởng của khách hàng mà chỉ cần hòa mình vào vị trí của chính họ. Cũng giống như những cặp đôi yêu nhau lâu, chỉ cần nhìn lướt qua có thể hiểu được cảm xúc và ý muốn của trong đầu đối phương – một kiểu giao tiếp thần giao cách cảm mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được.
Dĩ nhiên, những lời lẽ hoa mỹ không bao giờ lỗi thời theo thời gian nhưng nói mà không nói mới chính là những lời truyền tải thâm sâu nhất. Hãy thử một lần bước ra khỏi bức tường của bản thân, hòa mình vào cảm xúc của những người đang giao tiếp, và ta sẽ thấy rằng tình yêu không lời không chỉ là hư danh.