Thế giới hiện đại cho ta một viễn cảnh vô cùng choáng ngợp về thành công trong công việc. Nhưng trên đường đi đến thành công, liệu ta có cảm thấy nó đang vắt kiệt mình? Rằng ta lúc nào cũng mệt mỏi? Liệu nó có khiến ta phải làm việc ban đêm, nuôi dưỡng nó, trong khi lẽ ra đang ngủ mới phải? Như thể ta đang trở thành một phần của nó hơn là nó đang trở thành một phần của ta? Dừng lại nghỉ ngơi thì sợ bị tụt lại, nhưng cứ tiếp tục thì lại rơi vào vòng xoáy đó. Cứ thể chúng ta miệt mài đi tìm một thứ gọi là cân bằng công việc – cuộc sống.
Và có phải chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn thời gian? Liệu trong quá khứ, cha mẹ và ông bà chúng ta cũng có cùng cảm giác đó? Trong vòng 10 năm, từ 1986 đến 1996, sự cân bằng giữa công việc-cuộc sống chỉ được đề cập 32 lần. Nhưng chỉ trong năm 2007, nó được đề cập đến 1.674 lần. Thời gian đã thay đổi tất cả.
Có một điều rõ ràng: Con người giờ đây làm việc nhiều hơn. Khi Harvard Business Review khảo sát trên 15.000 người có mức lương hàng đầu trong tốp 6% người Mỹ, họ nhận thấy 35% số người tham gia nói rằng họ làm việc hơn 60 giờ/tuần và 10% dành đến hơn 80 giờ/tuần làm việc. Điều này lý giải tại sao rất nhiều người cảm thấy mình “giàu tiền bạc, nghèo thời gian.” Mà dĩ nhiên, cũng có nhiều người còn nghèo cả về tiền bạc lẫn thời gian nữa.
Một nghiên cứu khác cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 2000, tham vọng và kỳ vọng của học sinh năm cuối trung học đã tăng lên đến mức vô lý—và vẫn còn tiếp tục tăng theo thời gian. Chỉ cần tính toán một chút và ta sẽ thấy… đúng vậy, nhóm người kỳ vọng đến mức vô lý này hiện tại đang là những người trưởng thành thất vọng. Theo cách nói của triết gia Tyler Durden, “Chúng ta đều được nuôi lớn bởi chương trình ti vi và tin rằng một ngày nào đó mình sẽ là triệu phú, minh tinh màn ảnh, ngôi sao nhạc rock, nhưng thực tế là chúng ta không làm được. Dần dần, ta nhận ra sự thật phũ phàng đó. Và cảm giác ấy cực kỳ, cực kỳ khó chịu.”
Vậy chuyện gì đang diễn ra? Trong kỷ nguyên hiện đại, chuẩn mực thành công đã biến đổi đến mức vô lý. Chuẩn mực ấy không phải là khó đạt được nữa, mà là không thể đạt được. Internet cho bạn thấy hình ảnh của mấy anh tỷ phú chừng 20 tuổi ở Thung lũng Silicon. Bạn nghĩ rằng mình giỏi thứ gì hả? Ai đó trên mạng sẽ giỏi hơn, làm ít hơn, và hạnh phúc hơn. Họ còn có hàm răng đẹp nữa. Trong phần lớn thời gian tồn tại của loài người, khi nhìn quanh, chỉ có chừng vài trăm người trong bộ lạc, và ta có thể là người giỏi nhất trong chuyện gì đó. Ta nổi bật và trở thành người đáng giá với cộng đồng. Còn giờ đây, bối cảnh là bộ lạc toàn cầu với hơn 7 tỷ con người. Luôn có một ai đó tốt hơn ta, và truyền thông còn luôn đề cập đến những con người đó, luôn nâng tầm những chuẩn mực lên mỗi khi ta nghĩ rằng mình đã sắp với gần đến họ.
Chưa hết, thế giới hiện đại còn khiến cho mọi thứ cạnh tranh hơn. Thị trường nhân tài giờ đây là toàn cầu—đồng nghĩa với việc nếu bạn không nổi bật, các công ty sẽ chả hơi đâu năn nỉ bạn vào làm. Sẽ có người nào đó bên kia bờ đại dương thay bạn nhận việc ngay. Máy tính khiến cho mọi thứ hiệu quả hơn, đòi hỏi ít nhân lực hơn, và thị trường nhân tài toàn cầu cung cấp gấp 10 lần số ứng viên cho mọi vị trí.
Thế giới cứ nói “Nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn.” Và chúng ta cũng vậy. J. Walker Smith từ Yankelovich Partners chia sẻ với The Wall Street Journal, “Hiện tại, không ai muốn trở thành giới trung lưu cả. Ai cũng muốn trèo lên đỉnh.” Chúng ta có lẽ đang có nhiều hơn mọi thứ so với quá khứ, nhưng không hề hạnh phúc hơn. Và trong bản năng, ta vẫn nghĩ vấn đề có thể giải quyết bằng “nhiều hơn.” Nhiều tiền hơn. Nhiều thức ăn hơn. Nhiều mọi thứ hơn. Chỉ cần nhiều hơn. Chúng ta thậm chí không chắc rằng mình cần cái gì nhiều hơn, nhưng tất cả những gì ta đang có đều không giúp ta hạnh phúc, nên phải tăng mọi thứ lên. Vấn đề nằm ở chỗ, sứ mệnh đi tìm “Thứ khiến cho tôi hạnh phúc” không hề có vạch đích. Đó là một cuộc thi ăn bánh và phần thưởng cho giải nhất vẫn lại là bánh, rất nhiều bánh.
Những kỳ vọng đó khiến ta khó đạt những mục tiêu vốn phải xuất phát từ môi trường xung quanh. Thế nhưng, đó chưa phải điều tệ nhất. Trong thế giới ngày nay, tất cả là do lỗi của chúng ta. Hay ít nhất cảm giác là thế. Chúng ta yêu thích sự lựa chọn, và Thế kỷ XXI đã cho ta gần như vô hạn lựa chọn. Nhờ công nghệ, ngày nay ta luôn có thể lựa chọn công việc. Cửa văn phòng không đóng lúc 5 giờ chiều nữa. Mọi giây phút ở bên bạn bè hay chơi đùa với con cái đều là một phút giây có thể làm việc. Thế nên mỗi khoảnh khắc đều là một quyết định. Thứ quyết định không hề tồn tại trong quá khứ. Cái quyết định ấy cứ lởn vởn trong đầu ta mọi lúc, khiến ta căng thẳng khủng khiếp.
Khi thế giới không cho bạn nhiều sự lựa chọn và mọi thứ không diễn ra theo cách bạn mong muốn, đó là lỗi của thế giới. Chứ bạn còn làm được gì nữa? Nhưng khi bạn có 100 lựa chọn và không lựa chọn tốt, tội lỗi giờ là của bạn, bởi vì lẽ ra bạn đã có thể chọn lựa tốt hơn.
Và có quá nhiều lựa chọn sẽ gia tăng xác suất hối hận. Khi công việc luôn là một sự lựa chọn, mọi thứ đều là đánh đổi. Nhiều thời gian làm việc hơn đồng nghĩa với ít thời gian với sức khỏe, bạn bè, bạn đời, và con cái hơn. Và nếu như bạn chọn sai, đó là lỗi của bạn, khiến cho việc quyết định càng căng thẳng hơn. Chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, nhưng cảm thấy tệ hơn bởi vì mọi thứ luôn bị đánh giá liên tục.
Để phá vỡ vòng xoáy này, chúng ta phải biết “chọn” thay vì “lựa.” Lựa nghĩa là quyết định trong những phương án sẵn có, khiến ta rơi vào trạng thái đối lập giả tạo do những phương án ta thấy trước mắt tạo ra. Ngược lại, khi chọn, ta “đủ cẩn trọng để nhận định rằng có lẽ không có một phương án sẵn có nào đủ thỏa mãn, và nếu muốn giải pháp thay thế đúng đắn, ta có lẽ phải tự tạo ra nó.”
Ta không thể tối đa hóa 2 thứ đối lập nhau. Ta chỉ có 24 giờ/ngày với nguồn năng lượng có hạn. Với rất nhiều khoản mục, ta cần phải vẽ ra được giới hạn. Ta không thể làm tất cả mọi thứ và thành công trong mọi khía cạnh.
Cân bằng công việc-cuộc sống không chỉ là cái ta muốn, cân bằng công việc-cuộc sống chính cái ta muốn – trong khả năng “vừa đủ.” Quá một thái cực nào đó và lập tức cái còn lại sẽ gánh chịu hậu quả. Tất cả đều dẫn đến mức độ “vừa đủ” do chính ta xác định. Vì nếu ta không thể xác định được, thế giới sẽ xác định giùm. Và lựa chọn của thế giới thì thường không có kết cục tốt cho lắm.
———
Trích: Sách Chó Sủa Nhầm Cây – Tại sao những gì ta biết về thành công có khi lại sai.