Tại sao hắn lại thẫn thờ?

Hắn ứa nước mắt, nhìn vô định vào khoảng không trước mặt. Quán vắng hoe, không một bóng người.

Thằng bạn hắn từ trong bước ra, thấy bạn mình buồn ngồi lặng thinh bên ly cà phê tự pha, lòng bỗng chợt buồn theo mà chẳng biết nói sao…

Chả là như các bạn cũng biết, hắn và thằng bạn lâu nay quyết chí lập nghiệp bằng quán cà phê. Ngay khi ra trường, hai thằng dẫn nhau về ra mắt gia đình, xin mỗi nhà 100 triệu rồi tuyên bố sẽ không trở về cho tới khi thành đạt. Trước khi giã biệt, tụi nó còn ngâm mấy câu:

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,

Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Đại khái là quyết tâm. Mẹ già cũng không mong gì lắm, vì sau một năm tụi hắn đã quay về, mượn mỗi nhà thêm 100 triệu nữa (sau vụ thất bại vì quên thử nghiệm giảm rủi ro, mua phải quán ngập nước ở bài trước). Sau khi rút kinh nghiệm triệt để đủ thứ, từ kiểm nghiệm giảm rủi ro đến tư duy chuỗi mà tụi hắn đọc được trên trang của mấy thằng thầy dùi Ecoblader, hai thằng khởi nghiệp có chậm rãi và từ tốn hơn. Lần này cả hai quyết định không tự làm quán nữa mà mua sang lại. Trước khi mua, cả hai thay phiên nhau ngồi trong quán cả tháng trời để thu thập hết các thông tin giảm rủi ro, và nhất trí rằng quán này ổn. Khách ra vào cũng nhiều, và cô chủ quán đúng là lấy chồng về quê nên nghỉ bán, chứ không phải muốn đẩy lại do bán ế.

Nhưng than ôi, ly khách, ly khách, con đường nhỏ! Giờ cái quán ở con đường nhỏ của hai thằng ly thì nhiều mà khách chẳng thấy đâu. Chả hiểu sao từ khi nhận quán sang, khách bỏ đi hết, cứ như là toàn bộ khách theo cô chủ về quê lấy chồng hết cả vậy. Hai thằng cố đủ kiểu, nhưng cuối cùng gần như muốn buông xuôi: sáng dọn ly ra, hóng khách, rồi tối lại dẹp ly vào.

Thế là giờ đây hai thằng nhăn nhó nhìn nhau, lòng vừa rủa mấy thằng Ecoblader, vừa thầm nghĩ không biết nhà còn thêm 100 triệu để về xin nữa hay không…

Thực ra tụi hắn làm không sai. Chỉ là do chưa đọc hết bí kíp. Vấn đề là khi mua, hai thằng quên nghĩ về một vấn đề vô cùng quan trọng: cấu trúc chuỗi giá trị.

Vậy cấu trúc chuỗi giá trị là gì? Đây:

1. Quá trình tạo ra sản phẩm cuối trải qua rất nhiều bước, mỗi bước làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm.

Ví dụ, để có một ly cà phê ngồi trong quán, thì phải bắt đầu từ đầu để thấy mỗi bước mang lại giá trị gì cho khách (ở đây nói gọn để minh họa thôi):

– Trồng và xử lý cà phê: giá trị khách nhận được là cà phê ở trong ly.

– Pha cà phê: giá trị khách nhận được là vị cà phê chế biến hợp khẩu vị.

– Không gian thưởng thức: khách được uống cà phê trong không gian dễ chịu.

– Nhân viên phục vụ: khách vừa uống vừa được phục vụ, đối xử tốt khiến họ vui.

Một ly cà phê 20 nghìn đồng sẽ được phân bổ một cách hợp lý cho từng bước. Người trồng và xử lý cà phê nhận một phần phù hợp với giá trị mang lại, người pha chế, người trang trí quán hay phục vụ cũng tương tự. Quá trình tạo ra giá trị này được gọi là chuỗi giá trị, và từng bước ta sẽ gọi là mắt xích giá trị.

Xin chú ý, không có chuỗi giá trị nào tồn tại nếu bị hổng mắt xích. Ví dụ, nếu không có người pha cà phê, thì người trồng, phục vụ và người thiết kế quán có làm gì cũng vô ích.

2. Mỗi một doanh nghiệp sẽ tập trung vào một hoặc một vài mắt xích trong chuỗi.

Ví dụ, một người bán quán chỉ tập trung vào mắt xích pha chế, phục vụ và không gian thưởng thức, chứ không tham gia vào mắt xích trồng và xử lý cà phê. Họ giao mắt xích này cho đối tác.

Như vậy, mỗi doanh nghiệp cụ thể chỉ là một mảnh ghép trong cả chuỗi giá trị dài.

3. Mỗi doanh nghiệp có cấu trúc phần chuỗi giá trị của mình khác nhau, tùy theo năng lực của mình.

Ví dụ, một quán cà phê như của hắn và thằng bạn thường chiếm 3 mắt xích: pha chế (đồ uống), không gian (địa điểm), phục vụ (nhân viên).

Cô chủ quán cũ là người trẻ đẹp, bốc lửa, nên dù pha chế chỉ tàm tạm, không gian quán không đặc sắc (trong con đường nhỏ), nhưng vẫn có khách. Câu trúc chuỗi giá trị của cô chủ quán cũ như sau:

– Pha chế: 5/10; không gian: 5/10; phục vụ: 10/10.

Như vậy có thể nói, khách đến đây chủ yếu vì cách phục vụ của cô chủ quán, chứ không phải vì pha chế hay không gian.

Hắn và thằng bạn trước khi mua quán có đến uống thử, và đã đánh giá quán gồm luôn cả mắt xích phục vụ của cô chủ quán, mà quên rằng sau khi mua thì mắt xích này sẽ về quê lấy chồng. Cái mà hai thằng mua không phải là toàn bộ quán, mà thực ra chỉ có mắt xích không gian mà thôi. Do hai thằng cũng có kinh nghiệm bán quán nên pha chế ổn hơn cô chủ, nhưng cách phục vụ của hai thằng thì hẳn không bằng hotgirl, nên cấu trúc của hai thằng trở thành:

– Pha chế: 8/10; không gian 5/10; phục vụ: 7/10.

Như vậy lúc này, cái quán mua về đã thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Hai thằng không thể thu hút nhóm khách cũ tới đây vì gái nữa. Do đó, nếu bán quán cũ theo cách cũ, hai thằng ế là cái chắc.

Cách duy nhất ở đây là đánh giá theo cấu trúc mới, và thấy rằng điểm pha chế mới là cái đáng ưu tiên. Hai thằng có thể chuyển sang đi giao hàng và bán mang đi (bỏ mắt xích không gian và phục vụ tại quán, chỉ nhận mắt xích pha chế mà thôi), thay vì tập trung vào nhóm khách hay tới quán ngồi.

***

Như vậy, dù là làm cùng một ngành, thậm chí điều hành cùng một công ty, nhưng với mỗi nhóm có năng lực khác nhau, ta phải có chiến lược hoàn toàn khác nhau thì mới mong tồn tại. Tác giả đã thấy vô số nhóm không hiểu cấu trúc chuỗi giá trị của chính mình, để rồi đưa đầu vào chọi với nắm đấm của đối thủ.

Người ta hay cười một đội toàn cầu thủ lùn nhưng thích chơi bóng bổng, tạt cánh đánh đầu. Thế nhưng họ lại quên mau, và phạm lại đúng sai lầm kiểu đó trong công việc của mình. Dĩ nhiên là lúc ấy thì họ cười hết nổi, giống y như hắn và thằng bạn vậy.