Mabư Ác (Kid Buu) quá mạnh. Son Goku thì đã hết lực để có thể cứu thế giới.
Chính xác thì chỉ mình anh và những người bạn – dù có cố cách mấy – cũng không thể nào đọ lại với thứ sức mạnh kinh hoàng kia.
Đây chính là thời khắc ý nghĩa nhất trong truyện 7 viên ngọc rồng (Dragon Ball), thời khắc xuất hiện một bài học kinh doanh mà về sau sẽ giúp một chàng trai nọ mình ên kiếm được hàng trăm triệu đô la.
Nhưng cứ tạm gác đó quay lại thế giới truyện tranh chút đã.
Vào lúc cùng cực nhất, Son Goku đã giơ 2 tay lên trời để thực hiện chiêu thức Siêu quả cầu Genki (Super Spirit Bomb). Vấn đề là chiêu thức này thành hay bại không phải do Goku.
Đây là một chiêu thức huy động năng lượng từ số đông, mỗi người – dù chỉ là con người yếu đuối bình thường thôi – cũng có thể đóng góp chút năng lượng be bé vào quả cầu đó.
Và khi toàn thể nhân loại như trong truyện cùng giơ tay lên hưởng ứng, mỗi một chút năng lượng be bé đó đã quy tụ đủ thành quả cầu khổng lồ thổi bay mất xác Mabư Ác. Mỗi một người, dù sức mạnh chỉ nhỏ thôi, khi hợp lại, cũng có thể vượt xa những ông lớn hùng mạnh.
Đó chính là suy nghĩ về cách thức marketing chưa từng có tiền lệ của Filip Tysander, nhà sáng lập của hãng đồng hồ Daniel Wellington (DW).
Khi mới thành lập, Tysander đã sớm nhận ra thị trường đồng hồ thời trang không phải chỗ cho những gã tí hon. Chi phí marketing cực khủng do những ông lớn xa xỉ chi trả cho những ngôi sao lớn, chỉ cần nghe đến phần số lẻ thôi, cũng gấp mấy chục lần số vốn của những thanh niên tự gầy dựng cơ đồ.
Để chiến thắng ông lớn hùng mạnh chỉ có 2 cách, một là anh hùng mạnh hơn – trong trường hợp DW rõ ràng là không, hai là anh có thể như Son Goku quy tụ được sức mạnh của số đông giúp sức.
Nghĩ là làm, Filip Tysander đã tiến hành làm quen với nhiều cá nhân tuy không phải nổi tiếng ngôi sao nhưng cũng có một lượng bạn bè và người theo dõi nhất định (KOL). Sau đó, anh đề nghị tặng cho họ miễn phí một chiếc đồng hồ DW, đổi lại là một post hay ảnh chụp chia sẻ sản phẩm DW lên mạng xã hội. Chưa dừng lại ở đó, DW còn kêu gọi năng lượng từ mọi khách hàng bằng cách trao giải thưởng tặng 1 đồng hồ DW mỗi ngày cho bức ảnh chụp (dĩ nhiên là có đồng hồ DW) ấn tượng nhất.
Thế là các KOL và khách hàng càng giơ tay góp sức bao nhiêu, doanh số của DW càng tăng trưởng bấy nhiêu. Chỉ trong vòng vài năm từ khi ra mắt, dù không có sự giúp sức của quỹ đầu tư hay agency quảng cáo nào, một mình Filip Tysander đã bỏ túi nhuận ròng hơn 200 triệu đô la và doanh số DW vẫn không ngừng tăng khủng trước sự kinh ngạc của giới truyền thông.
Không ngôi sao lớn, không chiến dịch quảng cáo đắt tiền, DW đơn giản đã chứng minh nếu không đủ lực vẫn có một con đường sống trước những ông lớn hùng mạnh.
Vậy nếu như bạn vẫn chưa nghĩ ra cách nào đối phó, hãy nhớ tới Goku và 2 cánh tay giơ lên. Anh hùng không phải lúc nào cũng phải gánh cả thế giới. Nào, hãy nhờ quyền trợ giúp xem sao?