Người ta quên ơn là lẽ tự nhiên

Tôi biết một phụ nữ ở New York luôn phàn nàn vì cô đơn. Không một người thân nào muốn đến gần bà—không có gì lạ. Nếu bạn đến thăm, bà sẽ kể với bạn hàng giờ những gì bà đã làm cho mấy đứa cháu khi chúng còn nhỏ: Bà chăm sóc chúng khi chúng bị sởi, rồi quai bị, rồi ho gà. Bà cho chúng ăn chúng ở nhiều năm. Bà giúp cho một đứa học trường kinh doanh, và bà lo nhà cửa cho đứa khác khi nó lập gia đình.

Mấy người cháu có đến thăm bà không? Ồ, có, thỉnh thoảng, vì bổn phận. Nhưng họ ngán lắm. Họ biết sẽ phải ngồi nghe hàng giờ những lời trách móc úp mở. Họ sẽ được thết đãi một chầu bất tận những lời phàn nàn cay đắng và những tiếng thở dài than thân trách phận. Và khi người phụ nữ này không còn có thể đánh đập, nạt nộ, hay đe dọa bắt các cháu đến thăm, bấy giờ bà đổ bệnh. Bà bị đau tim.

Có thật là đau tim không? Ồ, thật. Các bác sĩ nói tim bà hay “bị hồi hộp,” bị đánh trống ngực. Nhưng các bác sĩ cũng nói là họ không thể làm gì cho bà—bệnh của bà là do cảm xúc.

Những gì người này thực sự cần là tình yêu thương và sự chăm sóc. Nhưng bà gọi đó là “lòng biết ơn.” Và bà sẽ không bao giờ có được lòng biết ơn hoặc yêu thương, bởi vì bà đòi hỏi nó. Bà nghĩ bà có quyền được hưởng.

Có hàng ngàn người như bà, những người bị bệnh vì “sự vô ơn,” sự cô đơn và sự hờ hững. Họ khao khát được yêu thương; nhưng cách duy nhất trong thế giới này họ có thể hi vọng được yêu thương là thôi đòi hỏi và bắt đầu rót tràn yêu thương mà không nghĩ đến chuyện nhận về.

NGƯỜI TA QUÊN ƠN LÀ LẼ TỰ NHIÊN. THẾ NÊN, NẾU CỨ ĐI QUANH CHỜ ĐỢI LÒNG BIẾT ƠN, TA SẼ BỊ LÔI THẲNG VÀO NHIỀU CHUYỆN ĐAU ĐẦU.

Nếu muốn hạnh phúc, hãy thôi nghĩ về sự biết ơn hay sự vô ơn và coi việc cho đi là niềm vui thầm kín.

(Trích sách QUẲNG GÁNH LO ĐI VÀ VUI SỐNG của Dale Carnegie)