Chiến lược Gulliver – Người khổng lồ ngoài ngành

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 đi qua đã làm rất nhiều ngành nghề và rất nhiều công ty điêu đứng. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn chung, nó lại mang đến cơ hội cho những công ty còn trụ lại. Khi mà tương lai của ngành chính còn bất định, rất nhiều công ty đã tìm thấy cơ hội trong những ngành nhỏ hơn. Bằng chiến lược người khổng lồ ngoài ngành, họ nhanh chóng chiếm thế thượng phong và quét sạch những công ty lâu đời trong ngành nhỏ.

Zell Chillmark – người khổng lồ ngoài ngành phát thanh

Trước năm 1992, ngành phát thanh ở Mỹ là một ngành nhỏ, với các đài địa phương thuộc sở hữu phân tán. Thế rồi Ủy ban Truyền thông Liên bang thông qua đạo luật gia tăng số trạm phát thanh mà mỗi công ty có thể sở hữu ở mỗi thành phố. Cùng lúc đó, tỉ phú Sam Zell của Equity Group đang chưa tìm ra ý tưởng kinh doanh trong ngành chính (đầu tư bất động sản). Biết được thông tin làm thay đổi cục diện ngành phát thanh—một ngành nhỏ đối với ông lúc bấy giờ, Sam Zell nhanh chóng thông qua quỹ Zell Chillmark để đầu tư 80 triệu đô la vào Jacor, một công ty phát thanh.

Tuy trong ngành bất động sản tòa nhà, Sam Zell chưa phải là người mạnh nhất về nguồn lực, nhưng trong ngành phát thanh nhỏ bé, ông trở thành người khổng lồ. Dưới sự hậu thuẫn của quỹ Zell Chillmark, Jacor nhanh chóng chi tiền để thâu tóm các công ty và trạm phát thanh khác. Đến năm 1996, tức chỉ sau 3 năm, Jacor đã sở hữu trên dưới 150 trạm phát thanh. Sau khi hợp nhất với Citicasters, Jacor tiếp tục quá trình thâu tóm nhờ dòng vốn mạnh, và đến khi được bán lại cho Clear Channel Communications với giá 3,4 tỉ đô la, họ đã sở hữu đến 250 trạm.

Như vậy, nguồn lực từ “người khổng lồ ngoài ngành” Sam Zell đã nhanh chóng thay đổi diện mạo ngành phát thanh, biến ngành thành sân chơi của những công ty hợp nhất khổng lồ với lợi thế bất cân xứng về nguồn vốn. Riêng Sam Zell trở thành một tay chơi lớn trong ngành nhỏ, cho đến khi thoái vốn và nhận được một khoản lợi nhuận không hề nhỏ chút nào.

Sự trỗi dậy của Waterstones

Thành lập năm 1982, Waterstones là một chuỗi nhà sách trong số rất nhiều chuỗi nhà sách ở nước Anh. Ngành bán lẻ sách và văn phòng phẩm tại Anh vốn là một ngành phân tán, với nhiều chuỗi nhà sách cũng như các nhà sách địa phương cùng tồn tại. Tuy nhiên, cuộc chơi dần thay đổi với sự xuất hiện của những người khổng lồ ngoài ngành đang tìm hướng đầu tư.

Sau khi được bán cho HMV Group rồi sau đó được bán cho tỉ phú Alexander Mamut, Waterstones có nguồn lực cực kì mạnh mẽ để thay đổi cục diện ngành. Họ liên tục nuốt các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, như chuỗi nhà sách Dillons, chuỗi nhà sách Ottakar’s, chuỗi Books Etc, chuỗi Foyles, hay chuỗi Daunt Books. Nhờ nguồn lực từ người khổng lồ Alexander Mamut, Waterstones đã trở thành chuỗi nhà sách số một nước Anh với 283 cửa hàng, và có khả năng trụ vững sau những cuộc tấn công của Amazon, một người khổng lồ khác ở bên kia đại dương. Trong khi đó, tại Mỹ, các chuỗi nhà sách không được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người khổng lồ ngoài ngành nên đã gần như ngã quỵ trước sự bành trướng của Amazon.

Chiến lược Gulliver—người khổng lồ ngoài ngành

Sam Zell và Alexander Mamut đã áp dụng chiến lược người khổng lồ ngoài ngành, hay một cách hình tượng là chiến lược Gulliver. Lấy ý tưởng từ cuộc phiêu lưu của Gulliver đến xứ người tí hon, chiến lược này đề xuất dịch chuyển trọng tâm từ ngành hiện tại đang bế tắc sang một ngành khác (có thể không liên quan đến ngành hiện tại) có lượng vốn đầu tư nhỏ hơn đáng kể. Với lợi thế từ nguồn vốn vượt trội (như Gulliver bỗng hóa khổng lồ khi đến xứ người tí hon), người khổng lồ ngoài ngành ngay lập tức có thể giải quyết các khó khăn mà các công ty trong ngành phải đối mặt—tựa như Gulliver có thể đánh bại cả đội quân vậy. Sử dụng quy mô về vốn, họ có thể nhanh chóng mua lại các kinh nghiệm và hiểu biết của các công ty trong ngành, sau đó tái cơ cấu lại cục diện ngành.

Chiến lược này không phải là chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Trong ngành bán lẻ thuốc, các công ty lớn từ ngành bán lẻ công nghệ đã nhanh chóng xâm nhập và thâu tóm các hệ thống lâu đời, sau đó bành trướng mạnh mẽ, điển hình là FPT với chuỗi nhà thuốc Long Châu, hay MWG với chuỗi nhà thuốc An Khang. Các nhà thuốc nhỏ lẻ địa phương hiện giờ vẫn trụ được, nhưng khó khăn là không thể tránh khỏi.

Có thể nói, tương lai gần trước mắt sẽ là một quãng thời gian khó khăn cho các công ty nhỏ. Tuy nhiên, cơ hội đang đến với những công ty và nhà đầu tư nhạy bén. Bằng cách chuyển hướng sự chú ý sang các ngành nhỏ hơn, những người khổng lồ ngoài ngành có thể tận dụng sức mạnh của mình để chiếm vị trí số một ngành, rồi phát triển ngành trở thành một ngành lớn và hưởng lợi từ đó. Khó khăn của những công ty nhỏ yếu hơn có thể không phải là khó khăn đối với bạn—cơ hội chính là đây!