Khi Ragnar Lodbrok thỏa thuận với bá tước Haraldson về việc khám phá những vùng đất mới phía Tây ở đầu series phim Vikings (2013 -), anh đã đưa ra một lời đề nghị không thể từ chối.
“Trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ bỏ mạng, tất cả những anh em theo tôi cũng hy sinh dưới biển cả. Còn nếu chúng tôi thành công, ông sẽ được hưởng phần lớn của cải. Ông mất cái gì chứ?”
Vấn đề là không phải dân Viking chưa từng nghĩ đến chuyện này trước đây. Nhưng khi biết bao con thuyền ra khơi đã một đi không trở lại, ai cũng nghĩ điều này không thể thực hiện được. Quả thật trong những chuyến hải trình mạo hiểm thời đó, cứ mỗi lần ra khơi, cửa chết gấp rất nhiều lần so với cửa sống. Nếu thành công đến được một vùng đất nào đó mà không làm mồi cho cá, nếu may mắn không bị chết khi cướp phá, và nếu an toàn về được tới nhà, phần thưởng sẽ rất hấp dẫn. Nhưng, nếu không thỏa được rất nhiều chữ “nếu” trên kia, thì số phận họ cũng sẽ tương tự như những tiền nhân.
Và để đảm bảo cho phi vụ mạo hiểm đó, Ragnar Lodbrok – một chiến binh nổi trội đầy nhiệt huyết – đã lấy tính mạng ra đảm bảo. Thậm chí, toàn bộ chi phí đóng thuyền tổ chức cho chuyến đi cũng một tay anh lo liệu. Ragnar vẽ ra 2 viễn cảnh vô cùng đơn giản cho những ai tham gia cùng anh:
– Nếu thành công, anh được, tôi được.
– Nếu thất bại, anh mất, tôi cũng mất [mạng].
Ragnar Lodbrok có thể chưa học qua kinh doanh hay đọc qua tiểu thuyết Bố già, nhưng anh đủ sáng suốt để đưa ra những lời đề nghị hợp tác kiểu “đôi bên đều có lợi – và hại – như thế”. Thế mà, theo thời gian, cùng với sự tiến bộ của nền văn minh, chúng ta nhiều lúc đã quên đi tính đối xứng của lời đề nghị hợp tác. Và đó chính là khi những tay lừa đảo mặc nhiên hoành hành.
Hãy xét đến bản chất lời đề nghị kiểu mô hình Ponzi (Ponzi scheme) của siêu lừa Charles Ponzi. Hãy đầu tư [hay đưa tiền] cho tôi, bà con sẽ nhận được lãi suất ăn đứt gửi ngân hàng [cao một cách vi diệu], và hãy chia sẻ cơ hội này cho người quen để được hưởng thêm hoa hồng. Chưa bàn đến số tiền của những người tham gia có được dùng làm ăn gì hay không [mà thường là không – vì mức lãi suất quá cao nên không thể nào bù đắp nổi mà phải lấy tiền người sau trả cho người trước cho đến khi bể], nếu để ý kĩ ta có thể nhận ra lời đề nghị trên hoàn toàn không nói gì đến nếu thất bại thì sao.
Bằng việc tập trung thêu hoa dệt gấm vào khoản lợi khủng mà người hợp tác sẽ nhận được – khi thành công, những kẻ ma mãnh dễ dàng dẫn dắt người tham gia vào rọ. Đương nhiên, lòng tham và động lực kiếm tiền là thứ mà bất kì kẻ ưa thích mạo hiểm nào cũng có, nhưng chính việc mạo hiểm mà không biết người dẫn dắt mình có chia sẻ chung thiệt hại gì hay không mới là điều đáng nói. Chính vì quên đặt câu hỏi “nếu thất bại, anh mất gì chung với tôi?” nên rất nhiều người không nhận ra mình đã nắm đằng lưỡi ngay từ khi bắt đầu. Không phải vô cớ mà trên chương trình Shark Tank các nhà đầu tư rất quan tâm việc người sáng lập còn nắm bao nhiêu % sau khi họ vào, vì trong trường hợp xấu nhất, một người nắm ít cổ phần đương nhiên sẽ rất dễ nhảy tàu, bỏ lại các cá mập bơ vơ đuối khí trên cạn.
Thoạt trông, trong một phi vụ mạo hiểm, kẻ lừa đảo và người thực tâm đều trông nhiệt huyết như nhau. Ranh giới phân biệt giữa họ đơn giản chính là phần thiệt hại khi viễn cảnh xấu nhất xảy đến. Chúng ta ai cũng thích nói đến thành công, nhưng chính thất bại mới là điểm phân biệt được đâu là vàng và đâu là c*c. Lần tới, nếu có ai đó mời gọi bạn hợp tác, trước phong ba bão táp mà đối phương đang chém, hãy bình tĩnh đỡ lại bằng câu hỏi:
“Nếu thất bại thì sao?”