Một hình ảnh khác

Nếu như có một nỗi nuối tiếc luôn đau đáu trong lòng công ty Marvel thì đó chính là cái ngày họ bán đi bản quyền khai thác điện ảnh Spider-Man. Kể từ thời điểm đó, đứa con Người Nhện, cũng như số phận lận đận của chính nhân vật này, trôi nổi miết qua tay các công ty điện ảnh rồi cuối cùng dừng chân tại Columbia Pictures, công ty thuộc quyền sở hữu của Sony. Và mặc dù Sony cũng không phải quá tệ khi đã xây dựng thành công hình ảnh anh chàng bắn tơ qua ba bộ phim Spider-Man (2002 – 2004 – 2007), Marvel vẫn cảm thấy đứa con của họ chưa đạt hết tiềm năng sáng tạo vốn có. Nhưng, biết làm thế nào khi quyền làm phim hiện không nằm trong tay họ?

Cho đến khi biệt đội siêu anh hùng The Avengers leo lên đỉnh thế giới, ước mơ của Marvel về Spider-Man vẫn chưa bao giờ tắt. Trong một cuộc tấn công của hacker vào cơ sở dữ liệu hệ thống Sony năm 2014, những email rò rỉ về cuộc thương lượng giữa hai công ty liên quan đến Spider-Man lần đầu được hé lộ. Theo đó, Marvel đang có những động thái nhằm mang Người Nhện trở về nhà, nơi tạo ra anh. Thế nhưng, Sony không phải tay mơ, quyền khai thác nhân vật vẫn nằm trong tay họ, và không dễ gì họ chấp nhận buông con gà đẻ trứng vàng này ra. Mọi chuyện cứ thế tưởng chừng như vở lỡ cho đến khi thông tin về phim The Amazing Spider-Man 3 – phần cuối trong bộ 3 phim làm lại do Sony đơn phương thực hiện – bị hoãn vô thời hạn. Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Kết quả không mấy khả quan trong loạt phim làm lại của Sony cùng thông tin không tiếp tục nữa đồng nghĩa với việc, cuối cùng Marvel và Sony đã đạt được thỏa thuận. Theo đó, Spider-Man sẽ được trở về với vũ trụ Marvel kèm theo ba bộ phim riêng lẻ về nhân vật này. Đổi lại, Sony tiếp tục giữ quyền khai thác tài chính, phân phối cũng như nắm quyền kiểm soát sáng tạo của nhân vật. Cửa đã mở, nhưng vấn đề còn lại là, sau thất bại của loạt phim làm lại, khán giả dường như đã chán ngấy hình ảnh và câu chuyện cũ của anh chàng bắn tơ. Liên minh Marvel-Sony giờ phải làm sao?

“Anh ta/ Cô ta/ Cậu nhóc/ Cô nhóc ấy rồi sẽ thành công thôi” là suy nghĩ của hầu hết mọi người khi chứng kiến những tài năng nhí cũng như những tài năng trẻ tỏa sáng. Thế nhưng, nghĩ là một chuyện, làm thế nào để thoát khỏi cái mác đã đưa họ lên đỉnh vinh quang lại là chuyện khác. Cô ca sĩ nhí Xuân Mai từng một thời là thần tượng của biết bao thế hệ em nhỏ và cho đến giờ, gần 20 năm sau, vẫn chỉ như vậy. Cậu bé Macaulay Culkin một thời nổi đình nổi đám với loạt phim Home Alone (Ở nhà một mình), sau đó dần mất hút trong giới điện ảnh. Ngay cả chàng diễn viên Daniel Radcliffe đã sống cùng nhân vật Harry Potter nổi tiếng toàn cầu trong một lần tâm sự cũng phải thừa nhận rằng, anh không biết làm thế nào để thoát khỏi thế giới phù thủy đó để có thể tiếp tục sự nghiệp diễn xuất. Để tránh lâm vào vết xe đổ của biết bao trường hợp đi trước, trong nỗ lực tránh chết vai của mình, một cô gái đã quyết định đánh cược một canh bạc lớn, tên cô là Miley Cyrus.

Không ai còn nhận ra thiên thần tóc vàng ngày nào của Disney Channel khi chứng kiến một cô gái tóc sát ngắn, mặc những “mảnh” quần áo nghèo nàn đang uốn éo đủ những động tác gợi dục trên sân khấu. Chỉ còn một thứ để người ta không lầm tưởng cô với một người nào khác, đó là giọng hát. Nhắc đến Miley, người ta nhớ đến một cô ca sĩ gái ngoan gắn với giới thanh thiếu niên. Nhưng thanh thiếu niên rồi cũng sẽ lớn, phải có một động thái nào khác để người ta không quên mình. Thế là Miley quyết định thay đổi hoàn toàn, giờ đây cô sẽ là một cô “gái hư” chính hiệu. Và một khi làm, phải làm cho thật triệt để. Cho đến thời điểm hiện tại, ai còn nhớ Hannah Montana là ai chứ?

Thay đổi hoàn toàn cũng chính là cách liên minh Marvel-Sony quyết định thực hiện. Spider-Man: Homecoming (Người Nhện: Trở về nhà) năm 2017 giới thiệu một hình ảnh Peter Parker hoàn toàn khác. Không còn đâu nữa chàng trai ủ rủ với gia đình thương tâm cùng chuyện tình bi đát, Người Nhện giờ đây quay lại thời điểm là một chàng thiếu niên cấp ba. Hài hước, lạc quan, miệng mồm không ngưng, anh chàng giờ đây có một gia đình khác và một mối quan hệ thân thiết với Iron Man (Người Sắt). Những kẻ thù và cuộc phiêu lưu của anh chàng cũng hoàn toàn thay đổi, lồng ghép trong thế giới đầy ảo diệu của Marvel, bên cạnh biệt đội The Avengers. Kết quả doanh thu leo tốp phòng vé chỉ sau mấy ngày công chiếu đã chứng minh, những thay đổi đột phá này bước đầu đã mang lại thành công với sự chào đón nhiệt tình của khán giả.

Và có lẽ một hình ảnh khác cũng là thứ mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đến trên con đường hội nhập ra thế giới. Chứng kiến những nhãn hiệu giày thể thao quốc tế làm mưa làm gió trên chính sân nhà của mình với dòng chữ “Made in Vietnam” thật chẳng đáng tự hào một chút nào. Nếu đã có khả năng gia công mang chất lượng quốc tế, tại sao không phải là một đôi giày mang thương hiệu của người Việt. Máy móc, công nghệ, kĩ thuật và những sản phẩm đòi hỏi sự phức tạp cao có thể không phải là thế mạnh, nhưng chẳng phải Việt Nam luôn nổi tiếng với những sản phẩm giày dép và may mặc đó sao. Ắt hẳn đó chính là suy nghĩ của Biti’s, một thương hiệu giày lâu đời của Việt Nam. Biti’s có thể vẫn đang sản xuất ổn định đó, nhưng xét về độ nhận dạng và sự độc đáo của sản phẩm, có lẽ họ đang chìm dần trong cái mác cũ “Nâng niu bàn chân Việt” khoảng mười mấy năm trước. Để tạo bước đột phá, họ cần một cú huých lớn. Thế là Hunter ra đời, gần như là nhãn hiệu giày thể thao thời trang đầu tiên của Việt Nam theo công nghệ mới. Những phong cách thời trang tươi mới, chất lượng bền bỉ cùng giá thành rất vừa túi tiền dần dà nhận được sự đón nhận của rất đông giới thanh niên nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Thành công đã và đang có của Hunter đã chứng minh một điều rằng, chỉ cần quyết tâm và triệt để hóa thực hiện, hoa cũng sẽ có ngày kết trái. Và nó cũng cho thấy rằng, nếu chịu thay đổi tư duy, nếu muốn thoát khỏi kiếp cảnh gia công đã gắn liền với đất nước này biết bao lâu nay, nếu muốn nền kinh tế của người Việt có thể nâng tầm lên một vị thế mới, đã đến lúc những doanh nghiệp Việt cần có sự thay đổi. Đã đến thời điểm chúng ta cần: một hình ảnh khác…