Màng túi

Nếu như có một loại vật liệu được mong chờ có thể thay đổi thế giới, đó chính là Graphene – một hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ than chì. Nó có thể đạt độ bền hơn 200 lần so với loại thép cứng nhất, có khả năng chuyển hóa năng lượng nhiệt thành điện và đặc biệt, sở hữu khối lượng cực kì nhẹ. Với cấu trúc hai chiều lý tưởng có độ dày 1 nguyên tử, loại vật liệu này có thể được dùng để tạo ra những thuộc tính vô cùng hấp dẫn.

Nói đơn giản hơn, một số ứng dụng thiết yếu của loại vật liệu này có thể hình dung qua việc sạc pin điện thoại trong 1 giây, thời gian dùng điện thoại kéo dài được lên đến cả tuần, hay làm ra được những bộ áo giáp chống đạn cực chất. Tính thiết thực của Graphene đã được giới khoa học khẳng định bằng việc trao tặng 2 giải thưởng Nobel Vật lý cho công trình này vào năm 2010. Gần như, thế giới chỉ còn chờ Graphene bước ra thay đổi.

Thế nhưng, giờ đây, sau gần một thập niên, tại sao vẫn không thấy hình bóng của chúng?

Xui thay, cho đến hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra cách sản xuất vật liệu này với số lượng lớn một cách hiệu quả. Có thể hình dung việc bào mỏng than chì xuống hàng nano để có được độ dày 1 nguyên tử với tốc độ nhanh gần như bất khả thi, và vì thế, giá thành để sản xuất ra chúng vẫn cực kì đắt đỏ. Dẫu cho có sở hữu những tính năng thần kì như thế nào đi chăng nữa, số đông sẽ rất khó chi tiền với giá cả cao.

Thật ra, đó cũng chính là vấn đề đối với rất nhiều sản phẩm khác. Người ta cứ nói mãi về việc chúng ta không có khả năng làm ra con ốc vít, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là chúng ta sẽ làm ra con ốc này với giá bao nhiêu? Và nếu giá cao thì ai sẽ là người chịu chi tiền mua?

Ta có thể nấu được 1 tô hay 1 nồi phở ngon cho gia đình, nhưng để nấu được 1.000 tô cho khách hàng mà vẫn giữ được chất lượng và giá cả ở mức hợp lý thì không phải đơn giản. Cũng như rất nhiều người có thể làm được bánh flan nhưng để nghĩ  đóng hộp và phân phối với số lượng lớn mỗi ngày với giá mềm như Ánh Hồng lại là một câu chuyện khác. Bỏ qua những yếu tố bên lề khác, mấu chốt trong cuộc chiến nước mắm hay những sản phẩm công nghiệp hóa chính là “mức giá hợp lý” cho đám đông. Mọi con đường, cuối cùng, đều dẫn về túi tiền.

Graphene rất đỉnh nhưng cuối cùng cũng không thể vượt qua màng túi của nhân loại. Quan niệm xưa thứ rẻ thì không ngon, mà ngon thì không rẻ vẫn chứng tỏ tính đúng đắn theo thời gian. Sau tất cả, chỉ còn đọng lại một bài học xương máu cho các anh hào kinh doanh: đừng nghe những gì người ta nói, hãy nhìn những thứ họ trả tiền.