Mạn đàm về văn hóa đọc

Từ trước tới giờ thường hay có tranh luận về văn hoá đọc, cuối cùng cũng thường chốt lại là kết luận rằng người Việt đọc ít quá, vì mỗi năm mỗi người đọc có 2 quyển sách…

Mình nghĩ mọi thứ đã đi lệch xa quỹ đạo đúng của chuyện đọc sách vì 2 lỗi: (1) lấy phương tiện làm mục đích, và (2) lấy số lượng làm đại diện cho chất lượng.

Thứ nhất là chuyện mục đích. Xét cho cùng thì đọc sách hay đọc bất cứ thứ gì cũng là để phục vụ 2 mục đích chính: đọc để giải trí và đọc để nâng cao hiểu biết. Vậy miễn là sau khi đọc, bạn thấy vui vẻ hơn hoặc có thêm hiểu biết là đã đạt được mục đích của mình rồi. Hai mục đích này cũng hoàn toàn có thể đạt được thông qua nhiều phương tiện khác, như đọc web, đọc facebook, xem ti vi, nghe nhạc, nghe podcast… tùy vào sở thích và bối cảnh của từng người. Nếu bạn cầm quyển sách lên là để giải trí, nhưng cố gắng đọc mãi không vào, thì bạn lẽ ra không nên đọc sách. Nếu bạn cầm quyển sách lên để đọc về tài chính nhưng cuối cùng chẳng hiểu gì, thì quyển sách đó không dành cho bạn.

Khi nhìn sâu vào mục đích, thì ta mới thấy mỗi mục đích sẽ có những phương tiện phù hợp tùy bối cảnh, chứ không nhất thiết phải là sách. Âm nhạc sẽ truyền cho bạn những thứ mà sách không thể làm. Để hiểu về thế giới động vật, ti vi sẽ cho bạn hiểu biết chân thực hơn về mặt hình ảnh… Thế mới nói, đọc sách không phải là mục đích, mà là phương tiện để đạt được mục đích mà thôi. Và nó xứng đáng được đặt ngang hàng với các phương tiện khác, vì mỗi phương tiện đều có cái hay cái dở riêng.

Thứ hai là vấn đề lấy số lượng làm đại diện cho chất lượng. Đọc nhiều dĩ nhiên vẫn có cái hay của nó, nhưng đọc nhiều không tự dưng khiến những cái bạn đọc được hóa thành của bạn. Đọc để hiểu thì cần ngẫm, cái này ai cũng biết. Nhưng do không thể đo lường chất lượng đọc, nên người ta lấy cái dễ đo lường hơn là số lượng làm đại diện cho văn hóa đọc, tạo một cuộc đua chệch hướng. Mục tiêu cần đo lường được, nhưng không phải cái gì đo lường được cũng trở thành mục tiêu được.

Buồn cái là, để đề cao văn hóa đọc, nhiều lúc người ta lại chê bai những phương pháp tiếp thu khác. Người ta khen chuyện cầm sách giấy đọc ở phòng chờ sân bay, và chê người cầm điện thoại. Người ta khen sách, và chê người hay lướt facebook hằng ngày…

Nói cho cùng, cá nhân mình vẫn thích đọc sách, nhưng cũng rất tôn trọng những người có cách tiếp thu khác với mình. Bạn đọc sách và thích điều đó, thì bạn rất hợp gu mình. Nhưng nếu không như thế thì cũng không sao cả. Sách giấy không có thông tin nóng hổi ngày hôm nay như báo điện tử. Sách giấy không có những chia sẻ chuyện bên lề như facebook. Thay vì tự ép mình đi theo phong trào, hãy tìm phương pháp tiếp thu phù hợp với bản thân thì hơn.

Quả thực là khi tìm ra một đáp án đúng với mình, sẽ rất khó để người ta chấp nhận rằng có một đáp án khác cũng đúng.