Lúc trước, khi viết hay dịch bất kì quyển sách nào, mình cũng muốn nó là một tác phẩm để đời, truyền mãi mãi cho hậu thế. Mà chắc ai cũng vậy, viết là để lưu lại chút gì của mình khi thời gian qua đi.
Nhưng mãi mãi là bao lâu? Mình thử tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với những quyển sách để đời trong quá khứ.
Những năm 1900, Winston Churchill là một nhà văn (trùng tên với thủ tướng Anh sau này, không phải cùng một người) nổi trội ở Mỹ. Tiểu thuyết RICHARD CARVEL của ông bán được đến 2 triệu bản. Cả chục năm, năm nào tiểu thuyết của Churchill cũng ở top bán chạy toàn nước Mĩ.
Nhưng 100 năm sau thì sao? Hầu như không còn ai nhớ đến Churchill. Tác phẩm bán chạy kia cũng chẳng còn mấy ai nhớ đến.
Với một tác gia xuất sắc và một tác phẩm xuất sắc, “mãi mãi” cũng không quá 100 năm.
Nó khiến mình nghĩ lại. Hầu hết những gì mình viết ra sẽ không thể tồn tại mãi mãi, tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Nếu làm tốt, nhiều khả năng tác phẩm cũng sẽ chỉ tồn tại được trong 5-10 năm, và số ít được 20-30 năm. Rồi rơi vào quên lãng.
Hầu hết những gì bạn làm cũng sẽ như thế. Bạn tạo chiến dịch marketing để đời? 100 năm sau sẽ chẳng ai quan tâm. Thậm chí thương hiệu mà bạn làm cho có khi cũng không còn. Nói đâu xa, những bài blog để đời bạn viết 15 năm trước trên Yahoo 360, thế mà cũng đã biến mất. Có ai để tâm không? Không ai cả.
Nhưng có lẽ thế cũng đã đủ. Nói cho cùng thì mãi mãi cũng chẳng để làm gì. 15 năm trước mình o bế từng cái view bài blog, nhưng giờ đâu quan trọng nữa, ngay cả với mình. Bây giờ mình o bế từng thành quả, nhưng rồi 15 năm sau chắc cũng chẳng quá quan trọng nữa. Chuyện 100 năm sau có ai nhớ đến mình có quan trọng đến vậy hay không?
Mình làm tốt nhất có thể và vui vì điều đó là đủ. Tận hưởng hiện tại. 100 năm là quá dài để bận tâm.
Đôi khi, biết nó sẽ không tồn tại mãi mãi thì nó mới đáng quý.