Trong quá trình phát triển sản phẩm, để cải tiến và gia tăng mức độ ứng dụng, chúng ta thường thêm thắt rất nhiều tính năng. Dần dần, các tính năng cộng thêm được đưa vào đời sống, và trở thành yếu tố “hiển nhiên” của sản phẩm. Tuy vậy, có những lúc, các tính năng cộng thêm làm chi phí sản xuất bị đội lên không cần thiết. Trong trường hợp này, tư duy xoáy sâu vào bản chất sẽ giúp tối giản và tối ưu hóa sản phẩm, tạo nên những lối tắt đi đến thành công với chi phí thấp hơn nhiều. Những lối tắt tư duy ấy được tác giả Shane Snow diễn giải vô cùng chi tiết trong quyển sách Lối tắt khôn ngoan.
Nhóm của Jane Chen gồm 4 người, là nhà khoa học tại Stanford. Họ đang nghiên cứu phục vụ cho các tổ chức phi lợi nhuận giúp chống lại tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh. Ở thời điểm đó, hàng năm có 20 triệu trẻ suy dinh dưỡng hoặc phát triển chậm ra đời. Phần lớn trong số này sinh ra ở những nước đang phát triển. Ở những nước phát triển, các đứa bé nặng một ký sẽ được nuôi dưỡng trong lồng ấp NICU đến khi khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở nước nghèo như Ấn Độ và Pakistan, phần lớn các bà mẹ không có những dịch vụ này. Hàng triệu em bé không sống nổi một năm.
Lồng ấp vốn đã được phát minh và cải tiến từ lâu, với vô số các tính năng. Tuy vậy, chi phí cho mỗi lồng không hề nhỏ. Một lồng ấp thông thường giá từ 20.000 đến 40.000 đô la, chưa tính tiền điện. Khi đối diện với hóa đơn bệnh viện, các bà mẹ nghèo không còn cách nào khác là từ bỏ, chấp nhận để mặc số phận định đoạt.
Thế rồi, Jane Chen chợt phát hiện ra một lối tắt bằng cách đi sâu vào bản chất sản phẩm: Chen lùi một bước để xem lại cách tiếp cận. Trẻ cần chức năng nào để sống? Họ phát hiện ra câu trả lời cơ bản chỉ là ẤM. Bản chất lồng ấp được phát minh để giữ ấm, các tính năng khác chỉ mang tính chất phụ trợ. Như vậy, thay vì thiết kế NICU hoàn chỉnh, chỉ cần đi tắt và thiết kế một thiết bị giữ ấm giá rẻ là đủ.
Họ chuyển sang nghiên cứu theo hướng này, và phát minh ra một chiếc túi bao kín cơ thể em bé, gọi là túi Embrace. Túi chỉ có thêm tính năng cách nhiệt và miếng đệm nóng giúp giữ nhiệt độ ở mức 37 độ. Quan trọng nhất, túi hoàn toàn có thể sản xuất hàng loạt với giá chỉ 25 đô la. Tính đến tháng 9/2013, phát minh của Jane Chen và đồng đội đã giúp 39.000 em bé được cứu sống.
Câu chuyện Jane Chen và túi Embrace được tác giả Shane Snow sử dụng trong quyển Lối tắt khôn ngoan để minh họa về lối tư duy đơn giản hóa, đi sâu vào bản chất và đạt được thành công bằng con đường hiệu quả nhất—không chỉ trong thiết kế sản phẩm, mà còn trong quản trị công ty và trong cuộc sống. Ngoài phương pháp tư duy đơn giản hóa, trong mỗi chương, Shane Snow còn trình bày chi tiết ý nghĩa và phương pháp ứng dụng của từng lối tắt tư duy khác: hack thang, tìm sư phụ, tiếp thu phản hồi liên tục, tận dụng nền tảng, bắt sóng, kết nối với siêu kết nối, tạo đà tăng trưởng, và tư duy x10.
Qua từng chương, bạn đọc sẽ nhìn thấu được thứ ẩn giấu đằng sau thành công của nhiều nhà lãnh đạo và công ty lớn. Tận dụng đà tăng trưởng của một bài tweet trên trang twitter doanh nghiệp, Oreo đã biến nó thành một chiến dịch marketing đạt nhiều giải thưởng lớn. Tận dụng con sóng từ sự nổi tiếng của Lady Gaga, Michele Phan cũng đã đưa mình lên đỉnh cao YouTube bằng một video hướng dẫn cách trang điểm giống nữ ca sĩ.
Nếu đi theo cách thông thường, Donald Trump sẽ mất khá nhiều thời gian trong hệ thống chính trị để có thể lên làm tổng thống. Lối tắt “hack thang”—nổi tiếng từ kinh doanh rồi nhảy ngang sang làm chính trị—giúp ông đạt đỉnh cao chính trị nhanh hơn người thường. Nếu đi theo cách thông thường, học từng dòng code php để thiết kế web, chúng ta sẽ mất rất lâu mới tạo dựng được một chiếc web tạm được. Lối tắt “nền tảng”—tận dụng mã nguồn mở như WordPress—giúp doanh nhân nhanh chóng gia nhập cuộc chơi trực tuyến.
Nhìn thấu bản chất sự việc, ta sẽ thấy những lối tắt. Lối tắt khôn ngoan sẽ cho bạn công cụ để nhìn sâu vào bản chất việc kinh doanh của chính mình. Thời gian của mỗi người là vô giá. Thay vì đi trọn vẹn con đường ngoằn ngoèo, tại sao không thử chọn những lối tắt khôn ngoan đã được chứng minh hiệu quả?