Lệnh cấm vận phát xít Đức và màn xoay sở ngoạn mục của Coca-Cola

Năm 1940, lệnh cấm vận phát xít Đức được ban hành. Trong các loại hàng hóa bị cấm vận, có một loại sản phẩm cốt tử mà chỉ cần nêu tên ra thôi, cả một công ty có nguy cơ phải đắp chiếu, đó chính là sirô Coca-Cola. Vào thời điểm đó Coca-Cola gần như chỉ có một dòng sản phẩm chính là nước ngọt Coca-Cola – với thành phần chính dĩ nhiên là sirô Coca-Cola. Chiến tranh thì ai cũng biết khó khăn rồi, nhưng giờ chả lẽ dẹp luôn cả chi nhánh Coca-Cola ở Đức chỉ vì một lệnh cấm? Trong cơn cùng quẫn đó, giám đốc chi nhánh Coca-Cola ở Đức đã đưa ra một quyết định lịch sử…

Triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngay khi nhận được tin dữ, Max Keith đã yêu cầu đội ngũ nhân viên cùng nhau nghĩ cách đối phó nếu không muốn ai về nhà nấy. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, nếu không có sirô Coca-Cola từ công ty mẹ thì phân nhánh Coca-Cola Đức có thể bán được cái gì? Khi đứng trước quyết định phải tự thân vận động, giải pháp cuối cùng được đưa ra là: một công ty nước ngọt vẫn có thể bán tiếp được nước ngọt, chỉ là giờ đây, họ sẽ phải tìm kiếm một hương vị khác. Chiến tranh có thể kéo dài 5, 10, 20 năm hay còn lâu hơn thế nữa mà không ai biết chắc được, nên giải pháp tình thế có còn hơn không.

Trong thời chiến mọi thứ dĩ nhiên đều khó khăn. Để tìm kiếm được một loại nguyên liệu sẵn có và đủ lớn để sản xuất hàng loạt, quả thật là một thử thách cân não. Trong nội địa nước Đức lúc bấy giờ vì tập trung cho quân đội nên các loại thực phẩm cũng không mấy phong phú, và sau nhiều cuộc thảo luận nghiên cứu, Coca-Cola Đức đã quyết định sẽ lựa chọn whey (một loại chất lỏng được tổng hợp từ sữa) và bã trái táo ép (bao gồm đúng nghĩa bã: gồm vỏ, hột, cùi các thứ còn sót lại sau khi phần ruột được sử dụng) để tổng hợp nên hương vị mới. Hai loại nguyên liệu này được Keith gọi là “thứ còn sót lại của những thứ thừa thãi”, đủ hiểu tình thế khi đó hẻo đến cỡ nào.

Nhưng một sản phẩm được tổng hợp từ thứ thừa thãi không có nghĩa không được phép mang một cái tên cao sang, dù sao đi nữa đây cũng là lý thuyết căn bản của marketing. Khi sản phẩm tình thế cơ bản được hoàn thành, Max Keith yêu cầu đội ngũ bán hàng của mình tổ chức một buổi brainstorming để chọn ra cái tên hấp dẫn. Trong khi Keith yêu cầu mọi người “hãy dùng trí tưởng tượng của các anh”, một nhân viên bán hàng tên Joe Knipp đã nói nhại lại theo kiểu châm chọc bằng tiếng Đức (Fantasie) từ “Fanta!”.

Và kể từ đó, Fanta mang lên mình sứ mệnh gánh vác những thị trường kẹt trong chiến tranh của Coca-Cola. Ở Hà Lan, do tình hình nguyên vật liệu khác biệt, Fanta lại được tổng hợp từ quả cơm cháy (elderberry). Sau khi chiến tranh kết thúc, cái tên Fanta tạm thời được cho về hưu khi chi nhánh Coca-Cola ở Đức và Hà Lan đoàn tụ với công ty mẹ. Từ những năm 1950, với chiến lược mở rộng thị trường bằng những dòng sản phẩm mới, Coca-Cola cho hồi sinh lại Fanta. Nhãn hiệu được marketing mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới và trở thành biểu tượng tượng trưng cho sức sống tràn đầy.

Cùng ắt biến biến ắt thông, một tay gánh vác tất cả những thị trường bị cô lập bởi chiến tranh, Max Keith đã lèo lái Coca-Cola sống được hơn nửa thập niên mà không cần bán Coca-Cola thứ thiệt. Thời thế quả thực tạo nên anh hùng và những gì ông cùng đội ngũ Coca-Cola ở Đức làm được không thể có từ nào mô tả tốt hơn ngoài hai tiếng: Fanta!