Khi một nhóm kịch biểu diễn, chỉ có một số lượng người có hạn có thể thưởng thức sản phẩm này. Ngược lại, khi một bộ phim được sản xuất hoàn chỉnh, số lượng khán giả của phim là không hạn chế.
Khi lượng khán giả kéo tới quá đông, chất lượng phục vụ của nhóm kịch sẽ giảm sút, thậm chí sập rạp nếu không được kiểm soát. Thế nhưng, cho dù số lượng khán giả phim có đông cách mấy, thì chất lượng của bộ phim cũng chẳng bị ảnh hưởng là bao.
Khác biệt nằm ở khả năng mở rộng (scalability). Trong khi việc phục vụ khách hàng và chất lượng sản phẩm của đoàn kịch bị ảnh hưởng bởi giới hạn về tài nguyên (đặc biệt là diễn viên có hạn), thì đoàn phim không hề chịu ảnh hưởng khi số khách hàng tăng nhanh.
Nếu bạn lao vào ở một ngành không có khả năng mở rộng, thì thị trường sẽ khó nở ra cho tất cả mọi người. Và cũng vui thay, nếu bạn có khả năng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường, bạn cũng sẽ không thể bành trướng thêm được nữa. Nói chung, ngành có scalability thấp tương tự như một cái bể cá vậy. Cá trong bể sẽ chẳng bao giờ thành cá mập được.
Hoạt động trong một ngành có scalability thấp có nghĩa là toàn bộ người tham gia thị trường sẽ phải giành giật một nguồn tài nguyên cực kì giới hạn. Đối với diễn kịch thì đó là diễn viên, đối với ca sĩ hát live thì đó là thời gian của bản thân họ, đối với giáo dục thì là giáo viên. Ở những ngành này, kẻ thù lớn nhất của người cung cấp lại chính là khách hàng. Không gì đau đớn bằng việc khách hàng kéo tới ngày một nhiều. Quá nhiều. Từ chối cũng dở, mà chấp nhận phục vụ cũng chẳng hay tí nào.
Friendster đã chết vì không thể xử lí truy cập quá lớn, làm ảnh hưởng chất lượng dịch vụ chung. Royal City phải cảnh báo khách hàng đừng nên đến nơi này bởi họ sợ lượng người quá đông đổ dồn vào dịp 2/9. Và có lẽ bạn cũng thấy, không ít thầy cô giáo dạy thêm đã khiến học trò chán ngán khi số lượng học sinh ngồi trong căn phòng nhỏ lên tới bảy tám chục người.
Nếu bạn đang ở trong một ngành có scalability quá thấp, thì ngoài việc tìm cách chiếm lĩnh thị phần, hãy nghĩ đến việc thay đổi mô hình để mở rộng. Ca sĩ, nhờ công nghệ thu âm, đã thay đổi từ việc chỉ hát live thành bán đĩa. Các bài giảng được thu lại đã phần nào giúp diễn giả phục vụ được nhiều khách hàng hơn. Dĩ nhiên, các giải pháp này không phải là hoàn chỉnh, nhưng nó sẽ giúp ta tránh đi nhiều phiền phức khi phải từ chối khách hàng của mình.
Nói không với khách hàng là một công việc cực kì đau đớn. Hãy dành thời gian nghĩ về scalability thay vì chỉ chăm chăm hút khách về mình.