Integrity – Sự chính trực (sống thật với chính mình)

Trong các giá trị cốt lõi mà nhiều công ty hay nói có Integrity, thường được gọi là Chính trực. Khi dùng từ này, người ta hay nghĩ đến chuyện “làm điều đúng” hoặc là “nói sự thật”–kiểu ý nghĩa gần giống như trung thực, thành thật…

Thế thì cũng được nhưng chưa đủ. Integrity quan trọng ở nét nghĩa “toàn vẹn” nữa, tức là trong một công ty/con người có integrity, thì mọi thứ, từ ý nghĩ tới hành động của họ đều thống nhất và ăn khớp với nhau. Như vậy, chính trực ở đây mà nói nghĩa là làm điều đúng với cái mình tin, mình nghĩ.

Tại sao sự chính trực lại quan trọng? Vì nếu điều mình tin, mình nghĩ mà khác với cái mình nói, mình làm, về lâu dài sẽ sinh sự bất hòa trong bản thân mình. Ví dụ dễ thấy là Nhạc Bất Quần trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, biệt hiệu Quân Tử Kiếm, miệng thì ca ngợi chính phái, nhưng trong lòng thực ra rất muốn có võ công vô địch thiên hạ. Về sau, lụm được bí kíp Tịch Tà, là võ công vô địch thiên hạ nhưng không chính phái, khi đó cái ông thực sự muốn đã lộ rõ qua hành động dẫn đao tự cung. Người không có sự thống nhất giữa ý nghĩ và hành động như thế rất khó chơi, không ai biết họ thực sự muốn gì.

Một công ty cũng vậy thôi. Cái mà cả công ty thực sự tin sẽ được biểu hiện qua tầm nhìn, sứ mạng, và đặc biệt là giá trị cốt lõi của họ (nói ngắn gọn là cái họ MUỐN và TIN). Giả dụ một công ty chuyên dạy cờ vua (hoặc bóng đá, hoặc âm nhạc…) chẳng hạn. Nếu công ty tin vào việc phổ cập bộ môn này cho đại trà, thì họ sẽ tập trung hơn và việc mở các lớp dành cho người mới. Ngược lại, nếu họ tin vào sự vượt trội, thì họ tập trung dạy những thiên tài xuất chúng trình độ cao. Giả sử công ty tuyên bố sứ mạng của mình là phổ cập bộ môn, nhưng trong nội bộ lại tập trung tìm thiên tài để thi đấu lấy giải, thì tất cả mọi người, từ nhân viên tới khách hàng, tới đối tác… đều bị rối. Nó tựa như chơi với Nhạc Bất Quần vậy, không ai biết thực sự công ty muốn gì.

Thế nên nhiều công ty mới đề cao sự chính trực. Nó khiến nội bộ công ty bớt phải diễn, khách hàng bớt phải nghĩ, tất cả tập trung vào việc tạo ra giá trị thực sự thay vì phải ăn rồi bỏ hết thời gian đoán xem công ty thực sự muốn gì.

Để thực sự chính trực rất khó, vì sẽ phải nói không với những người không cùng hệ giá trị, nói không với những cơ hội đi trái với hệ giá trị. Nếu công ty đề cao hàm lượng tri thức trong quyển sách mà công ty bán, nhưng thị trường đang có cơ hội bán sách linh tinh thì sao? Thì phải bỏ qua chứ sao nữa, chứ nếu không sẽ không có sự chính trực, công ty không còn “toàn vẹn” nữa, trong lòng bức bối sao chịu nổi.

Vậy mới nói, để thực sự có sự chính trực, phải hiểu mình muốn gì và phải kiên định nói không.

Mà để có lực kiên định nói không với cơ hội không phù hợp, thì chắc chắn công ty phải mạnh. Sự chính trực quả là một thứ cần thiết nhưng không dễ có.

Đúng là viết vào tài liệu “Văn hóa doanh nghiệp” thì dễ, làm được theo thì khó gấp vạn lần. Ai cũng ghi giá trị này giá trị kia, nhưng mấy ai làm được.