ID Idly và chiến dịch “thắng bằng niềm tin”

Mất bao lâu để bạn cảm thấy tin tưởng một sản phẩm mới? Trong thời đại thượng vàng hạ cám như hiện này, niềm tin có vẻ như là một phạm trù khá là xa xỉ. Và rất nhiều anh tài kinh doanh đã từng gục ngã không hẳn vì sản phẩm không đủ tốt, mà chính vì không đủ thời gian gầy dựng niềm tin của khách hàng. Vòng xoáy sẽ là “chưa dùng thì chưa tin, mà chưa tin thì chưa dùng”.

Phải có một cách nào đó phá đi vòng lặp này chứ?

Đó cũng chính là ý nghĩ của một thanh niên người Ấn Độ – P. C. Mustafa. Quốc gia có truyền thống lâu đời này vốn sở hữu rất nhiều món ăn ngon, và một trong số đó chính là một loại bánh crepe lên men được làm từ bột gạo và đậu được gọi là Dosa. Cách ăn và hình thức thì đại loại cũng tựa tựa bánh xèo của Việt Nam, và nếu cảm giác của một fan bánh xèo ra sao thì dân Ấn cũng có cảm giác tương tự về Dosa. Tuy nhiên, rào cản ngăn cách lớn nhất cho những người muốn làm món Dosa chính là bột nguyên liệu phải chuẩn bị quá lâu. Và đó chính là khoảng cách mà Mustafa muốn khỏa lấp.

ID Idly-Dosa Batter chính là sản phẩm bột Dosa chuẩn bị sẵn cho các đầu bếp muốn tiết kiệm thời gian do Mustafa làm ra. Ý tưởng tổng thể và chất lượng sản phẩm được thử nghiệm tốt, nhưng theo thời gian công ty vẫn dậm chân tại chỗ vì không bán được mấy. Khách hàng không có niềm tin loại bột chuẩn bị sẵn đủ chuẩn và hợp vệ sinh như tự làm tại nhà. Và niềm tin gần như là thứ khó nhất để đạt được, nhất là đối với một công ty nhỏ không có nhiều tiềm lực marketing.

Để phá được vòng lặp, cần phải có một hành động đột phá. Và thay vì đổ tiền vào quảng cáo mà chưa biết tới đâu, Mustafa quyết định thực hiện chiến dịch kết nối thẳng đến khách hàng với phương châm “bạn có thể chưa tin tôi nhưng tôi rất tin tưởng bạn”. ID Idly đầu tư mua các tủ mát đựng Dosa Batter, bên ngoài dán một hộp đựng tiền và đặt tại các vị trí thương mại. Điều đặc biệt ở đây chính là, các tủ đó hoàn toàn không có người canh giữ. Chúng được ghi dòng chữ với nội dung đại loại là:

“Cứ lấy mà dùng, bạn có thể trả tiền ngay hay sau đó, một phần tiền hay toàn bộ, vào cái hộp này. Chúng tôi tin tưởng bạn.”

Rõ ràng, người kém tính toán nhất cũng có thể biết chuyện khách hàng hoàn toàn có thể xù tiền, trả không đủ, hay tệ hơn là khiêng luôn cái hộp tiền đi. Viễn cảnh tệ nhất chính là mất cả cái tủ bột mà không thu được gì. Chiến lược này đúng nghĩa chỉ có thể hy vọng thắng bằng niềm tin, theo đúng nghĩa đen.

“Có mất gì đâu?” chính là tâm lý những khách hàng quan tâm tặc lưỡi sử dụng thử bột Dosa của ID Idly. Và chính tại khoảnh khắc câu nói ấy xuất hiện trong đầu họ, Mustafa đã gầy dựng được niềm tin vô thức bên trong họ. Chưa cần nói đến có được giúp sức viral bởi mạng xã hội hay không, ID Idly đã tạo nên một cơn sốt niềm tin thực sự trong lòng những bà nội trợ – người ra quyết định sản phẩm này có an toàn cho gia đình họ hay không. Và nhiệm vụ còn lại thì để cho chất lượng sản phẩm lên tiếng.

Mấy câu chuyện thành công thì kết cục sau đó cũng tựa tựa nhau. Từ một thương hiệu chật vật khẳng định tên tuổi, ID Idly đạt mức sản lượng hơn 35 tấn mỗi ngày và trở thành thương hiệu đầu tiên xuất hiện trong đầu dân Ấn khi họ muốn làm bánh Dosa. Thành công của Mustafa đã chứng minh một điều rằng, trong một vòng xoáy thiếu vắng niềm tin như hiện tại, muốn cho người khác tin tưởng, đôi khi cách tiếp cận phải đi ngược lại với suy nghĩ phòng vệ thông thường. Nếu ai cũng chọn đề phòng, tin tưởng sẽ dành phần ai?