Hắn và những ứng viên tìm hoài không thấy

Hắn toát mồ hôi hột, chân run lập cập, thiếu điều xỉu tại chỗ nữa là đủ bộ. Sếp hắn thì dường như chẳng biết hắn sắp sợ đến bất tỉnh nhân sự, nhẹ nhàng hỏi lại lần nữa: “ Sao rồi, có tuyển được ai chưa em?”

Hắn khẽ ngước nhìn sếp. Bốn mắt nhìn nhau. Hắn lập bập: “Dạ… chưa…”

Chuyện là thế này, một tháng trước công ty thiếu người nên sếp giao cho hắn nhiệm vụ tìm thêm đồng bọn vào làm. Công việc cũng đơn giản thôi, chủ yếu là phân loại sách, kiêm kê, đóng gói… và cũng chỉ cần một sinh viên bình thường là đủ rồi. Lúc đó hắn tự tin lắm, dù gì cũng là người có tiếng nói thời đi học, cũng chức này chức nọ, ông này bà kia, nên hắn tự tin vỗ ngực, à thì đừng lo, sếp để em, em hô một tiếng có đứa ứng tuyển thôi.

Người Việt Nam nói là làm, tối đó hắn về viết mô tả công việc rồi đăng lên đủ thứ chỗ. Cũng có nhiều sinh viên hứng thú chia sẻ rồi tag nhau vào, nhưng chả hiểu sao cuối cùng chẳng có ma nào gửi email về cho hắn cả. Suốt một tháng ròng vận động, kết quả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.

“Sao rồi chú, không tuyển được ai phải không?” Sếp hắn lại hỏi. Hắn không trả lời, chỉ gật.

Nhìn cái mặt tái mét của hắn, sếp cười: “Không sao, đừng có sợ, nhìn cách chú làm anh biết ngay từ đầu là chú sẽ không tuyển được rồi. Để anh chỉ cho chú mấy đường cơ bản.”

Sếp hắn nhấp một ngụm cà phê, hít một hơi, rồi bắt đầu giảng: “Khi đăng tuyển, em viết những gì?”

Hắn đáp: “Dạ thì em cũng mô tả công việc, yêu cầu công việc, rồi địa chỉ email nộp đơn về.”

Sếp nói: “Em ghi những thông tin đó là đúng. Vấn đề nằm ở chỗ, em chỉ viết những thứ em cần, mà quên đi một việc: làm cho người ta hiểu và hứng thú với công việc của mình. Anh thấy em chỉ ghi đơn giản công việc là ‘xử lí các vấn đề về sách’—cách viết đó khiến người ta không hiểu mình vào đây sẽ làm cái gì, và vì không hiểu, nên người ta không hứng thú. Anh biết mọi người ai cũng mô tả công việc, nhưng không hiểu rằng mục đích chính của phần này là để thu hút những người tiềm năng và loại bớt đi những người không phù hợp ngay từ đầu. Cũng giống như một bài quảng cáo vậy, đó là phần đầu tiên: khiến cho khách hàng tiềm năng hứng thú với sản phẩm của em—ở đây sản phẩm là công việc ở công ty mình.”

Chỉ xuống phía dưới, sếp hắn tiếp luôn: “Rồi tiếp theo, ở phần dưới, khi người ta đã hứng thú rồi, thì em yêu cầu họ nộp CV về email của em. Anh nói thiệt là phần này khiến em mất ứng viên. Mỗi lần yêu cầu người khác làm gì, thì cũng phải nghĩ cho tất cả. Bây giờ, em chỉ cần một người xử lí sách ở kho của mình, vậy thì em cần yêu cầu gì ở họ? Đúng rồi, ngoài thông tin cơ bản như họ tên, điện thoại, địa chỉ, thì cái quan trọng nhất là thời gian làm việc và một số kinh nghiệm làm những công việc trước đó mà thôi. Mà những thông tin đó, em cho họ điền một cái Google Form là đủ. Bây giờ em yêu cầu gửi CV về, thì ứng viên phải bỏ cả buổi chỉnh sửa CV rồi viết cover letter các kiểu, để rồi em liếc qua 5 giây rồi bỏ. Phí thời gian của họ. Em thu về rồi, em lại phải điền các thông tin từ CV vào bảng tổng hợp lại cho anh. Phí thêm thời gian của em. Rồi khi điền vào rồi, người thì ghi thừa thông tin, người thì ghi thiếu thông tin cần thiết—vì CV em đâu có mẫu sẵn—anh đọc không ra quyết định được. Phí cả thời gian của anh.

Em cũng bán hàng rồi, em thấy có bao giờ người bán hàng đòi khách hàng nộp CV về email để mua hàng đâu. Họ chỉ yêu cầu các thông tin vừa đủ cần thiết: họ tên, điện thoại, địa chỉ, mua hàng gì… bởi vì yêu cầu quá nhiều, khách hàng sẽ bỏ. Ở đây tuyển dụng cũng vậy, đừng nghĩ như người ban phát cơ hội cho ứng viên, đừng nghĩ mình là bề trên, mà hãy nghĩ như một người bán hàng đang bán vị trí làm việc ở công ty vậy, em sẽ thấy mình hành động khác đi. Và kết quả cũng sẽ hoàn toàn khác.”

Rồi sếp hắn cầm tay hắn, dịu giọng lại: “Thôi, em cứ cố gắng. Sai thì làm lại. Nếu không tuyển được thì em cứ tiếp tục làm luôn phần việc đó, over-time không lương thôi, không sao đâu. Lao động là vinh quang mà, sách lại còn là đam mê của em nữa, phải thấy vui chứ, em hỉ!”