Giới hạn nào cho AI?

Ngày 8 tháng 5 năm 2008, chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Barcelona thông báo cựu tiền vệ một thời của đội bóng – Josep “Pep” Guardiola – sẽ trở thành thuyền trưởng mới của gã khổng lồ xứ Catalan. Có lẽ những fan hâm mộ lạc quan nhất của đội bóng này cũng không thể hình dung ra nổi, người đàn ông này chính là người đã mở ra triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử câu lạc bộ.

Khởi đầu bằng thứ triết lý bóng đá Tiqui-Taca, với lối chơi ưu tiên kiểm soát bóng, chuyền ngắn kết hợp với di chuyển linh hoạt, Barca ngay từ mùa giải đầu tiên dưới bàn tay của Guardiola đã trở thành một cơn lốc quét sạch mọi đối thủ. Cú ăn 6 – ôm trọn hết mọi danh hiệu trong mùa giải – trong mùa bóng 2008-2009 đã đưa Barcelona từ vị thế chật vật tìm lại hào quang trước đó vươn lên thành gã khổng lồ theo đúng nghĩa đen. Nhưng, đỉnh cao thì gió lạnh, các đối thủ cũng bắt đầu quan sát thật kĩ nhằm phân tích được điểm mạnh điểm yếu của đội bóng này…

Nếu có một khả năng kì diệu nhất làm cho loài người vượt lên trở thành một sinh vật thống trị, đó ắt hẳn là khả năng học hỏi theo thời gian. Xét về tổng thể, loài người không có được sức mạnh như loài gấu, không có móng vuốt sắc nhọn như hổ, không thể chạy nhanh như báo, không có nọc độc như loài rắn, càng không có hàm răng khủng khiếp như cá sấu. Thế nhưng, nhờ có khả năng học hỏi, quan sát và suy nghĩ, dần dà chúng ta đã có thể cải tạo và chế ngự được thiên nhiên. Mặc dù vậy, trí thông minh của con người vẫn có những hạn chế, nhất là trong khả năng xử lý cùng một lúc lượng dữ liệu lớn hay giới hạn thể chất của một sinh vật sống. Trái lại, máy móc lại không mắc phải những vấn đề này, điều duy nhất làm cho chúng chưa thể tư duy hoàn hảo được như loài người là sự thiếu hụt dữ liệu đầu vào cần thiết để “học”.

Một trong những người tiên phong trong chiến thuật chế ngự lối đá của Barca phải kể đến José Mourinho. Ngay trong mùa giải thứ hai tại vị của Guardiola, dẫu Barcelona vẫn đạt được cú đúp tại đấu trường nội địa, trên đấu trường Champions League, Inter Milan của Người đặc biệt đã vượt qua được đội bóng Tây Ban Nha. Dĩ nhiên, địch tiến một bước thì ta cũng phải tiến một bước, Barca nhanh chóng củng cố lối chơi và tiếp tục giành được cú ăn 5 trong mùa giải kế tiếp. Thời điếm này đánh dấu đỉnh cao của đội bóng xứ Catalan, lượng người hâm mộ gia tăng kỷ lục, trong các trò games bóng đá, số lượng game thủ lựa chọn Barca cực kì áp đảo. Nhưng trong cơn say chiến thắng, những cules tín đồ của Guardiola không thể mường tượng rằng, các đội bóng đối thủ vẫn chưa bao giờ dừng phân tích học hỏi. Số trận đấu của Barca càng nhiều, lối chơi của đội bóng càng bị soi kĩ hơn, và giờ G dường như sắp điểm.

Không phải gần đây, chủ đề về trí thông minh nhân tạo (AI) thật ra đã xuất hiện từ lâu trên phim ảnh. Không ai còn lạ gì trợ lý Jarvis của Iron Man, một bộ óc robot có khả năng giao tiếp, suy nghĩ, truyện trò, hỗ trợ, đưa ra lời khuyên và kết nối cùng lúc tất cả thiết bị với hệ thống mạng toàn cầu. Chỉ cần quét qua khung cảnh trước mắt, Jarvis đã có thể thu nhặt dữ liệu để phân tích được tình hình chiến trận ra sao, rằng nên tấn công vào nơi nào sẽ có xác suất thành công cao. Khả năng học hỏi và đưa ra quyết định vi diệu như vậy ngày nay đã và đang được các hãng công nghệ hàng đầu phát triển trong lĩnh vực “machine learning”. Như cái cách những bộ trí thông minh nhân tạo sau khi “học” đủ dữ liệu về các ván cờ trong quá khứ đã dễ dàng đánh bại những kì thủ hàng đầu thế giới trong cờ tướng, cờ vua hoặc thậm chí cả cờ vây. Điều này chứng tỏ một điều khi có thể hội tụ đủ lượng dữ liệu đầu vào cần thiết, hệ thống AI sẽ có khả năng phân tích và đưa ra quyết định cực kì hiệu quả.

“Hết bài!” là câu nhận xét dân dã nhưng cực kì chính xác trong mùa bóng cuối cùng tại vị của Guardiola tại Barcelona. Hay nói đúng hơn, sau khi phân tích và soi xét kĩ lối chơi của Barca, các đội bóng đã phần nào tìm ra cách hóa giải gã khổng lồ này trong mùa giải 2011-2012. Dù ra đi vào cuối mùa, Guardiola vẫn là một huyền thoại thành công nhất trong vai trò huấn luyện viên tại đội bóng. Thành công và thoái trào trong vòng 4 mùa bóng của ông tại Barca là minh chứng rõ nét nhất của việc phân tích và học hỏi – khi có đủ nhiều thông tin – sẽ giúp các đối thủ đưa ra được những cách khắc chế cực kì hữu ích.

Còn đối với máy móc, trong lĩnh vực liên quan đến khuôn mặt con người, đã từ lâu các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook hay Microsoft đã âm thầm tìm cách “dạy” cho hệ thống của mình cách học hỏi và nhận biết. Nếu mở sâu vào những đoạn mã bên trong, ta sẽ thấy được ghi chú bằng những từ khóa được tạo ra bằng AI trong từng bức ảnh, ví dụ như “người nam mặc áo đỏ, đang cười” trong hệ thống của Facebook. Và trong cuộc chơi này, một kẻ khổng lồ nữa – Apple – có vẻ như cũng không muốn ngoài cuộc. Iphone X ra đời với tính năng trọng tâm xoay quanh con chip A11 Neural engine hỗ trợ AI – với khả năng xử lý 600 tỉ phép tính mỗi giây theo thời gian thực. Nếu như các hãng công nghệ khác đang sử dụng hình ảnh để “dạy” cho hệ thống của mình thì đối với Face ID, Apple không chỉ đơn thuần để mở khóa cho vui. Trái lại, quả táo khuyết đang thể hiện tham vọng “dạy” cho hệ thống của mình nhận biết các khuôn mặt người thật thông qua hàng trăm triệu người dùng Iphone. Có thể trong tương lai, khi đã học đủ về biểu hiện mặt của con người, hệ thống này sẽ dễ dàng nhận biết được cảm xúc của con người, mở ra kỷ nguyên mới trong việc giao tiếp giữa con người và máy tính.

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi đang dùng Iphone, Siri đột nhiên hỏi “Bạn đang buồn ư? Có muốn đi xem phim không?” hay sau khi đi chơi với người yêu về hí hửng lướt Facebook, những quảng cáo về các món quà tình nhân đột nhiên xuất hiện trên tường nhà. Liệu sẽ mất bao nhiều tiền bạc và thời gian để thu thập dữ liệu về trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt của con người để “dạy” cho máy tính? Hàng nghìn tỷ đô la hay hàng chục năm? Tại sao không tận dụng ngay lượng khách hàng đang có đang dùng điện thoại? Nếu ngay cả con người lẫn nhau còn khó nhận biết được cảm xúc thật thì nếu máy tính làm được, chẳng phải đó là một bước đột phá mới hay sao? Một lần nữa, hãy nhớ loài người đã dần bước sang kỷ nguyên 4.0, và những gã khổng lồ chưa bao giờ ngơi nghỉ. Phát súng lệnh đã nã và cuộc đua về dữ liệu khuôn mặt thật chính thức bắt đầu.