Giáng Sinh

Gần Giáng Sinh, ngày càng có nhiều nhà trang hoàng rực rỡ. Khắp nơi rạng rỡ hơn hẳn ngày thường, đặc biệt là ở các khu biệt thự.

Vậy thì, nếu như việc trang hoàng khiến cho cả căn nhà, cả khu phố, cả con đường và thậm chí cả thành phố rực rỡ hơn, thì tại sao người ta lại không giữ những đồ trang trí đó suốt cả năm? Có thể tiền điện sẽ tăng chút ít, nhưng đối với gia chủ của các căn biệt thự như thế thì cũng chẳng đáng là bao. Thế nhưng, hết mùa Giáng Sinh và năm mới, người ta vẫn tốn công gỡ tất cả xuống đợi năm sau.

Vấn đề nằm ở chỗ, cái người ta muốn không phải là sự rực rỡ. Cái mà chúng ta thấy hứng thú là sự đổi thay.

Người ta thích nhuộm tóc. Người ta thích áo mới. Người ta thích du lịch. Người ta thích trò chơi mới. Và thậm chí người ta thích đổi người yêu mới nữa. Tất cả vì họ yêu sự đổi thay.

Tưởng tượng thử một bộ phim dài lê thê mấy chục tập mà ở đó các nhân vật ngày qua ngày vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, đi chơi như đời thường. Đồ rằng người xem sẽ chán ngay sau tập thứ ba.

Ngược lại, một khi mỗi tập phim lại có một tình tiết làm thay đổi mọi thứ, thì dù nó có kéo dài như “Đời sống chợ đêm” vẫn không ai muốn bỏ.

Nhiệm vụ của mỗi người, dù cá nhân hay doanh nghiệp, đều phải là tạo ra sự thay đổi cho khách hàng. Có thể là cải tiến trong cách giao hàng. Có thể là trụ sở mới. Có thể là hàng hóa mới. Có thể đơn giản là đồng phục mới. Và thậm chí có thể là một sự thụt lùi trong dịch vụ.

Dù tốt hay xấu, hãy tạo kịch tính cho bộ phim mà doanh nghiệp chúng ta đang đóng.

Đừng đóng kiểu phim truyền hình Việt Nam. Hãy cho thấy sự đổi thay.

Đừng bao giờ để khách hàng buồn chán.

Và đừng bao giờ để doanh nghiệp của mình ăn Giáng Sinh suốt cả năm.