Đừng chỉ nghĩ đến giá tiền

Thằng ban hắn suy ngẫm hồi lâu, rồi chọn mua cái rẻ nhất. Hắn bực mình quay đi không nói thêm lời nào nữa.

Chả là hai đứa ở trọ chung, và đang định sắm cái máy giặt. Dù gì thì đời sinh viên giặt tay thế là quá đủ rồi. Hai đứa giờ cũng có ít xu, đi mua máy giặt cho đỡ hại da tay.

Hắn thì thích chọn loại xịn. Dù gì thì lỡ mua rồi, mua cái xịn mà dùng. Thằng ban hắn thì cứ đắn đo về giá. Nó không muốn trả 5 triệu cho cái máy giặt cùng dung tích chỉ 3 triệu của hãng khác. Gì thì gì, đối với mấy thằng nhà nghèo như hắn và thằng bạn, thì tiền vẫn là thứ quan trọng nhất.

Nhưng có một điều mà thằng bạn hắn không biết: Mua một sản phẩm, thứ duy nhất phải chi ra không chỉ có tiền. Thằng bạn hắn đâu có biết, khi mua một cái máy giặt, người mua còn phải chi ra biết bao nhiêu thứ:

– Chi phí sử dụng: Máy giặt không phải cái nào cũng như nhau. Ngoài cục tiền trả ban đầu, thì còn phải trả thêm chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng nữa, ví dụ như tiền điện, tiền bột giặt của máy rẻ có khi lại cao hơn máy mắc. Có khi ban đầu giá thì rẻ đó, nhưng chi phí sử dụng lại cao. Kiểu như mua xe nát thì rẻ, cơ mà tiền xăng thì hao hơn.

– Chi phí bảo dưỡng: Như trên, thường thì mua đồ rẻ thì chi phí sửa cũng không rẻ đâu.

– Chi phí giải quyết hàng cũ: Ờ lỡ mua về vài năm, đến khi muốn quăng thì sao? Phải thuê người vác đi quăng bãi rác à? Hay thanh lý cho ve chai thì được bao tiền? Rồi còn mấy sản phẩm khác như pin laptop thì chả biết xử lí sao nữa.

Bạn nghĩ tới đây đã hết chưa? Chưa đâu. Còn nữa này:

– Chi phí thời gian: Máy xịn giặt thì nhanh hơn máy dỏm. Có thể mỗi lần giặt chỉ chênh nhau năm mười phút, nhưng khi tích lũy lại thì là rất nhiều. Có thể máy dỏm phải có người ngồi canh, lâu lâu phải siết lại con ốc để cái lồng khỏi văng ra ngoài. Thời gian là nguồn lực không bao giờ lấy lại được, hãy để ý cái này.

– Chi phí không gian: Cùng một dung tích, cùng một chức năng, nhưng có khi máy xịn thì nhỏ gọn hơn chăng? Mấy anh sinh viên phòng trọ có 15 mét vuông thì mỗi mét không gian đều đáng quý mà!

– Chi phí của các rủi ro: Tỉ lệ hỏng hóc thì sao? Có khi nào máy dỏm thì rò điện không? Lỡ nó chập mạch cháy nổ khi hoạt động mà không có người ở nhà thì sao?

Hết chưa nhỉ? Chưa đâu. Ngoài những thứ có thể phải chi ra, còn những thứ mà máy dỏm không thể nào mang đến được:

– Cảm giác khó chịu: Cảm giác (xuất phát từ trải nghiệm) cũng là một thứ phải chi. Cái máy giặt rẻ thì ồn hơn, rung hơn, và có khi giặt cũng không sạch bằng.

– Lợi ích từ việc khoe sản phẩm: Mua máy xịn, tung lên Facebook khoe, người mua được cảm giác vui vẻ và tự hào. Dĩ nhiên với cái máy giặt rẻ của sinh viên nghèo thì thứ này không nhiều, nhưng với một số sản phẩm khác thì không phải là ít đâu.

… và hằng hà sa số những thứ khác ngoài chi phí trả bằng tiền ban đầu.

Người viết liệt kê ra một loạt thứ như vậy để làm gì? Đơn giản thôi, để cho thấy rằng, đó là những thứ bạn có thể đưa ra để thuyết phục khách hàng trả một mức giá cao hơn cho sản phẩm mà vẫn cảm thấy hài lòng. Đừng than thở khi thị trường tràn ngập đồ rẻ. Bạn thấy bế tắc khi cạnh tranh với hàng rẻ chẳng qua vì bạn chưa nghĩ đến những cái gạch đầu dòng phía trên mà thôi.

Đừng bao giờ cũng chỉ nghĩ đến giá tiền. Sáng tạo lên!