Điều vĩnh viễn tồn tại

Thuở ban đầu, Zynga với Facebook là đối tác thân tình của nhau.

Nhiều người hẳn đã từng “log in” Facebook để chơi mấy trò Nông trại vui vẻ hay Mafia Wars. Nói không quá lời, Facebook lôi kéo được người dùng ban đầu cũng nhờ công rất lớn của những game như vậy.

Tác giả của mấy game đình đám đó là Zynga. Họ chuyên viết game trên nền tảng Facebook, và được Facebook chia lại cho một phần lợi nhuận.

“Mối tình” tưởng chừng như vô cùng êm đẹp đó bỗng chốc một ngày hóa thành hư không bởi những đòn chí mạng liên tiếp Facebook dành cho đối tác thân tình của mình.

Đầu tiên Facebook bỗng quay ngoắt sang các đối thủ cạnh tranh của Zynga. Họ mở cửa, mời gọi và hỗ trợ nhiệt tình cho các công ty khác “lao vào” làm game trên Facebook. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng game Facebook bỗng tăng vọt. Zynga bị chìm nghỉm, mất năng lực đàm phán.

Thứ hai, Facebook tăng giá quảng cáo cũng như thay đổi thuật toán tương tác để đòi hỏi người quảng cáo chi tiền nhiều hơn. Khoảng năm 2008-2009, Zynga đổ rất nhiều vào mua quảng cáo, có thời điểm chiếm tới 10% doanh thu của Facebook. Nhưng khi facebook phát triển thì các đơn vị khác cũng đổ tiền quảng cáo cho họ. Trong vòng 4 năm từ 2009 tới 2013, giá quảng cáo cho mỗi lần click chuột tăng từ 0.27 USD lên 0.88 USD. Điều này có nghĩa là Zynga không thể “mua” các người chơi mới một cách hiệu quả như trước. Nói cách khác công ty này phải phụ thuộc vào sức hấp dẫn tự nhiên và khả năng tăng trưởng qua viral của trò chơi, thế nhưng không may thay Facebook tung thêm đòn chí mạng thứ ba.

Khi Facebook phát triển hệ thống news feed và app, mạng xã hội này đã không lường trước được hai mảng này sẽ bị gộp chung như thế nào. Zynga đã trở thành một người khổng lồ về viral. Họ xây dựng các trò chơi mà bạn sẽ thắng bằng cách hỏi bạn bè của bạn để nhận giúp, và liên tục yêu cầu bạn chia sẻ “Bạn có thể giúp tôi vắt sữa bò được không?” đến tất cả bạn bè của bạn. Điều này có nghĩa là mỗi người sử dụng Zynga mua được từ quảng cáo có thể mang đến thêm hai hay nhiều người bạn nữa qua việc quảng bá game trên news feed.

Game spam từ những nhà phát triển như Zynga dần trở nên tồi tệ đến mức nó có thể làm chìm nghỉm tất cả các status hay ảnh từ bạn bè, phá hỏng trải nghiệm Facebook của người sử dụng. Và thế là thay vì chơi game cùng nhau, người dùng có thể unfriend hay block nhau luôn. Facebook đã cập nhật thêm việc tắt các thông báo, chia sẻ từ game.

Bởi vì quá phụ thuộc vào nền tảng của Facebook mà không có phương án dự phòng nào nên Zynga không thể chống đỡ lại được “đòn” này. Công ty này bị sụt ngay 36% doanh thu năm, đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa gượng dậy lại được.

Rút cục trong kinh doanh, mối quan hệ hợp tác song hành chỉ có được khi cả hai cùng phát triển mà vẫn mang lợi nhiều lợi ích cho nhau. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của Facebook khiến cho Zynga từ đối tác trở thành kẻ ngáng đường. Sự hợp tác dần tan vỡ là điều tất yếu. Zynga cũng quá phụ thuộc Facebook mà không có kế hoạch đa dạng hóa kinh doanh cho mình dẫn tới việc bị dính đòn.

Không có đồng minh vĩnh viễn cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Hãy cố mà tự chủ hoạt động của mình, đừng phụ thuộc ai cả.