Từ xưa đến nay, mặc định trong đầu các sĩ tử nói riêng và xã hội nói chung là thí sinh nào có điểm thi cao sẽ phải được vào đại học tốt.
Dễ thấy rằng chính suy nghĩ này là khởi nguồn của ý tưởng sinh viên nào có điểm đại học cao thì phải được vào làm ở các công ty tốt.
Và rồi họ bất ngờ. Họ sốc. Bởi vì công ty không tuyển người có điểm cao chót vót. Họ tuyển người phù hợp. Hiển nhiên là các công ty có quyền này.
Sự phù hợp rõ ràng không đến từ điểm số, mà đến từ kĩ năng, thái độ, thậm chí là quan điểm sống. Điểm số chỉ là một chỉ số nhỏ thể hiện sự phù hợp, và đó không phải là thứ mang tính quyết định trên con đường của mỗi người sau này.
Ai cũng biết điều đó, nhưng họ vẫn nghĩ thí sinh có điểm thi cao phải được trúng tuyển vào đại học tốt. Thật khó hiểu, bởi các trường đại học cũng không khác gì các công ty cả. Họ tuyển người phù hợp, chứ không cần thí sinh điểm cao, cho dù điểm cao phần nào phản ánh được trình độ học tập (trong một nền giáo dục lí tưởng). Và cũng như các công ty, họ hoàn toàn có quyền chọn và loại thí sinh theo nhu cầu riêng của họ, chứ không buộc phải tuyển bất kì ai chỉ vì điểm thi đầu vào của người đó cao.
Hầu hết các thị trường đều vận động dựa trên sự phù hợp. Bạn mua điện thoại Nokia 1280 vì nó phù hợp với nhu cầu của bạn, chứ không phải vì nó có điểm đánh giá cao nhất. Người bạn chọn là người phù hợp với bạn nhất, chứ không phải người xinh đẹp hay giỏi giang nhất. Hoặc đơn giản, bạn đi ăn quán quen bởi vì nó hợp khẩu vị, chứ không phải do đó là quán được xếp hạng 5 sao.
Một khi xã hội vẫn chưa hiểu được quy luật hiển nhiên này, thì kết quả là sẽ lại càng có thêm nhiều sinh viên thiếu định hướng, và càng nhiều cử nhân lạc lối, bởi tất cả những gì họ tôi luyện trong suốt cuộc đời họ chỉ là cách làm sao vượt qua các bài kiểm tra, chứ không phải là cách nâng cao sự phù hợp của chính mình đối với trường hay công ty mà họ chọn.