Người xưa thường có câu “Trăm nghe không bằng một thấy.” Thế nhưng, có những lúc ngay cả nhìn thấy trước mắt vẫn không đủ.
Xe hơi là một phương tiện giao thông phổ biến. Mặc dù đã được phát triển và cải tiến không ngừng trong suốt lịch sử, ngày nay nó vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nếu từng có dịp ngồi trên ghế trước một xe hơi con (4 – 7 chỗ), ta sẽ chú ý rằng tầm nhìn xung quanh bị giới hạn. Và đó chính là một trong những nhược điểm đáng lưu ý của loại phương tiện này.
Thông thường, có tổng cộng 4 vùng mù chính xung quanh một chiếc xe hơi. Nếu như vùng phía sau và hai bên hông phần nào được hỗ trợ bởi các kính chiếu hậu thì phần ngay trước mắt người lái, tréo nghoeo thay, lại là vùng khuất tầm nhìn nhất. Thông thường, đối với các nước phát triển, do hầu hết phương tiện lưu thông trên đường là các loại xe bốn bánh, khoảng cách an toàn giữa hai xe trước sau luôn được giữ ổn định. Vì lẽ đó, vùng điểm mù họ lưu ý nhất là vùng chéo hai bên hông. Khi chạy ở tốc độ cao, một khoảnh khắc mất tập trung ở các góc này có thể ngay lập tức gây ra tai nạn nguy hiểm.
Trái lại, ở các nước sử dụng nhiều xe máy, không những hai bên hông, một người lái xe cần phải chú ý đông tây nam bắc cùng một lúc. Với kích thước nhỏ gọn, xe máy dễ dàng len lỏi vào các vùng mù sát xe hơi, chuyện giữ khoảng cách an toàn là vô cùng xa xỉ đối với những con đường trong nội thành. Và đó chính là khi vùng trước mắt rõ ràng nhất lại là vùng gây tai nạn nhiều nhất. Phần lớn vụ va quẹt giữa hai loại phương tiện này xảy ra ở vùng đầu xe. Chỉ một chút nhấn ga lố, vài anh xe máy dễ dàng bị cưỡng “hôn”.
Đương nhiên, luôn phải có cách sống chung với lũ. Để khắc phục điểm khuất trước mắt, các anh tài lái xe muốn tu thành chánh quả phải luyện được bí kíp “cảm giác thần công”. Thời gian di chuyển càng lâu, trình độ càng lên cao. Giang hồ về sau tóm gọn bí kíp này thành hai chữ kinh nghiệm. Và nó là thứ giúp cho người lái thích ứng được giao thông hỗn tạp, dù bất cứ ở đâu.
Bởi mới nói, muốn đi đường xa an toàn, bên cạnh kĩ năng còn cần kinh nghiệm. Không cách nào tích lũy được kinh nghiệm nếu tự bản thân ta chưa rèn luyện đủ. Có tầm nhìn là tốt, nhưng nó cũng là thứ nhấn chìm nhiều anh hùng khởi nghiệp muốn đi quá nhanh. Thành thạo cần có thời gian, và đôi khi cần “móp” đầu vài lần để hiểu rõ giang hồ hiểm ác thế nào. Suy cho cùng, kẻ đi chắc mà về đích còn hơn người đi nhanh gặp rắc rối, phải không?