Điểm chạm đầu tiên

“Anh ơi, hết chỗ ngồi rồi!”

Cậu nhân viên giữ xe trước cửa quán bảo tôi cùng nhóm bạn. Chúng tôi vừa mới đi đến, chưa kịp bước vào đã nghe hết chỗ.

Cả nhóm định bước đi tìm quán khác thì một người trong nhóm nhìn vào quán nói:

“Tụi anh chưa vào trong xem mà, mà sao em biết hết chỗ?”

“Nay quán đông lắm, em nhắm chừng cũng hết chỗ nên báo anh chị vậy đỡ bước vào.”

Bán tín bán nghi, một người trong nhóm tôi đi vào trong xem và gọi điện ra báo: mới có chỗ, vào đi. Lẽ mà chúng tôi nghe lời cậu nhiên viên bước đi thì vừa gánh phải cảm giác hụt hẫng không được ăn quán nhắm đến, vừa phải cất công suy nghĩ xem tiếp theo nên ăn gì.

Tình huống này làm cho tôi nhớ đến ở một quán khác, khi tôi đến, nhân viên giữ xe trước cửa có cầm theo một cái bộ đàm.

Chưa cần chúng tôi phải xuống xe, anh ta đã hỏi:

“Anh chị đi mấy người, có bạn vào hay đặt chỗ gì chưa?”

Sau khi chúng tôi trả lời, anh ta bấm bộ đàm, kiểm tra với nhân viên bên trong, sau đó sẽ báo cho chúng tôi biết rõ nên hay không nên vào; và nếu có chờ bàn thì sẽ chờ trong bao lâu. Tất cả đều rõ ràng, cụ thể, khiến cho khách hàng hết sức thoải mái.

Về mảng này thì bài học kinh điển có thể học hỏi thêm chính là chuẩn mực thái độ của các nhân viên trong hệ thống Thế Giới Di Động; cúi chào, niềm nở, chào hỏi thân thiện, mọi người có thể không vừa ý điểm nào chứ luôn có ấn tượng tốt về mảng này của họ.

Rất nhiều cửa hàng, quán ăn vốn có sản phẩm rất tốt nhưng không hề chú trọng nhiều vào nhân viên giữ xe – những người là “trạm” đón tiếp khách hàng đầu tiên và cũng là nơi để lại ấn tượng dạo đầu cho họ. Thu phí giữ xe vô chừng, thái độ đón tiếp không lịch sự, những câu nói tưởng là vô thưởng vô phạt… những thứ tưởng là nhỏ nhưng đôi khi lại là sát thủ vô hình – khiến cho khách hàng không muốn quay trở lại.

Thương trường ngày càng khốc liệt, những chăm chút trong khâu dịch vụ khách hàng ngày càng phải tiến tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Khâu bên trong cũng quan trọng đấy, nhưng đừng bao giờ quên điểm “chạm” đầu tiên.