Có chơi có chịu

Hôm bữa mình thấy có bài báo kia, đại khái nói rằng CEO kiêm chủ doanh nghiệp vì tin đội ngũ của mình nên dồn tiền đầu tư, cuối cùng sản phẩm thất bại và bán nhà. Mình thấy có gì đó cấn cấn.

Là chủ doanh nghiệp, là người đứng đầu thì nguyên tắc đầu tiên phải là có chơi có chịu. Thất bại và mất mát trước hết đừng đổ cho ai hết, tất cả là do mình trước tiên. Tiền của mình thì người nên chịu trách nhiệm coi sóc nó chính là mình. Đội ngũ phía dưới người ta đi theo sự dẫn dắt của mình, đến khi thất bại thì lại bảo là do họ là sao?!

Cũng vài tuần trước, sau khi đăng hình nhiều nơi dẹp tiệm, có mấy người khuyên rằng nên biết ơn sếp vì đã gồng gánh cho mình còn việc làm. Thực ra mình thấy biết ơn mọi người thì tốt, vẫn nên trân trọng những người xung quanh, nhưng người đầu tiên mà bạn phải biết ơn là chính bản thân bạn (sau đó mới biết ơn những người hợp tác với mình, trong đó có sếp). Có được việc làm là do chính bạn đã cố gắng để giữ được nó mỗi ngày. Chừng nào bạn ở nhà ngủ cả tháng mà vẫn được trả lương đầy đủ thì hãy biết ơn sếp đã cứu bạn. Ngay từ ban đầu khi kí hợp đồng làm việc, nó đã là mối quan hệ hợp tác cả hai cùng có lợi, chứ không phải mối quan hệ ban ơn một chiều. (Và cũng vì lí do đó, nếu ngày mai sếp có cho bạn nghỉ việc, thì cũng đừng trách sếp.)

Bạn đã có chơi (đi làm mỗi ngày), thì bạn có chịu (được nhận lương). Sếp lỗ, sếp khổ, ừ sếp khổ (nên đổi lại, khi lãi thì sếp có quyền hưởng). Nhưng bạn cũng đổ mồ hôi mỗi ngày cơ mà, nên hãy biết ơn bạn trước tiên. Sếp không phải người cứu rỗi bạn, mà chính bạn mới là người cứu được bạn.

Bởi mới nói, mọi thứ đều nên có chơi có chịu, tất cả thành bại trước hết là do chính mình chứ chẳng phải do bất kì ai khác. Chỉ khi hiểu được điều này, ta mới thẳng lưng mà chấp nhận rủi ro, biết trân trọng bản thân mình, và cũng biết trân trọng quyền được tự chịu trách nhiệm của những người xung quanh (và tránh được tư tưởng mình là kẻ cứu rỗi của những người xung quanh).