Chuyên môn

Quả cầu tiêu không dội được. Vã gã đàn ông đang loay hoay kia sẽ đưa ra một quyết định sẽ đi vào sử sách: đích thân sửa cầu tiêu.

Đó là một chiếc tàu ngầm U-1206 thế hệ mới của quân Phát xít Đức, nó mang trên mình sứ mệnh đánh đắm các tàu chở hàng của Mỹ và Anh.

Nhưng sứ mệnh cao cả đến mấy thì binh lính trên tàu cũng cần sinh hoạt. Họ cũng là con người mà. Ấy thế nên các nhà khoa học Đức đã cải tiến hệ thống nhà vệ sinh cho phép tàu có thể lặn sâu dưới nước mà vẫn có thể dội nhà cầu được.

Đừng có cười. Vào thời Thế Chiến II, công nghệ như thế là hơi bị đỉnh. Ở các thế hệ U-Boat trước đó mỗi khi muốn dội nhà vệ sinh, quân lính phải cho tàu nổi lên. Và thế thì bạn cũng hình dung rồi, lú lú lên giữa biển chẳng khác nào làm mồi cho địch.

Để cho cái cầu tiêu đơn giản là dội được, một hệ thống cực kì phức tạp đã được thiết lập. Chất thải sẽ được dẫn trực tiếp qua một loạt ngăn đến van khóa khí áp suất. Từ đây nó sẽ được thổi bung xuống biển với khí nén… [biển rộng mà!] Đặc biệt, hệ thống vệ sinh này cần có một chuyên gia đi theo trên mỗi tàu để có thể điều khiển đóng mở các van đúng hướng, bảo đảm chất thải có thể an toàn chảy ra khỏi tàu.

Nhưng vào cái ngày hôm ấy, tay chuyên gia trên chiếc U-1206 này vì ngồi chờ chán quá đã quyết định rời vị trí đi đâu đó. Và khi thuyền trưởng – Karl-Adolf Schlitt – bước vào trút bầu tâm sự, ông quyết định sẽ tự dội và chỉnh một mình.

Từ đây, bi kịch xảy ra. Chỉ vì anh là thuyền trưởng có hiểu biết rộng không có nghĩa là thứ gì anh cũng xử lý giỏi. Thay vì chờ đợi tay chuyên gia kia, sau một hồi loay hoay các kiểu, Schlitt gọi một kĩ sư lại giúp đỡ và cùng nhau họ đã xoay lộn van… để đẩy ngược nước thải vào lại trong tàu.

Chất thải tràn vào hòa với không khí ngột ngạt tạo ra luồng khí clo độc hại đe dọa tính mạng mọi binh lính. Đến lúc này, thuyền trưởng buộc phải ra lệnh cho tàu nổi lên để xử lý. Nhưng ngay lúc ló đầu lên, họ đã bị máy bay Anh bắt gặp…

Thế Chiến II có lẽ không phải vận của những người mang trong tên từ Adolf. Trong một loáng, chiếc U-1206 tối tân đã tan thành mây khói. 3 người bị chết. Những người còn lại nhảy thoát xuống biển và bị bắt khi trôi dạt đến bờ biển Scotland, trong đó có Karl-Adolf Schlitt.

Một quyết định tưởng chừng như chả có gì nguy hiểm của thuyền trưởng, kết cục, đã đưa cả con tàu xuống đáy biển sâu. Vị trí cao là một chuyện, có kiến thức là một chuyện, nhưng không phải thứ gì anh cũng có thể làm rành rẽ nếu thiếu đi đào tạo chuyên môn. Chỉ một quyết định lấn sân chuyên môn xử lý thứ thấp kém nhất của Karl-Adolf Schlitt cũng đã đủ mang đến đại họa thì với những sự việc quan trọng, hậu quả sẽ còn khôn lường như thế nào?

Anh có thể là thuyền trưởng lái tàu trùm nhưng không có nghĩa là anh cũng có thể lái c*t tốt. Đừng như Karl-Adolf Schlitt, đừng bao giờ lẫm lẫn giữa vị trí và trình độ chuyên môn.