Chuyện chợ hoa

Nhà hắn gần một con sông. Cứ mỗi năm Tết đến người ta lại bày đủ loại cây cảnh ra bán dọc bên bờ.

Ngày xưa, chỉ có vài người bán. Dăm ba chậu tắc, cành mai chấm phá trên con đường độc đạo. Để chuẩn bị cho không khí Tết, người qua đường cũng dừng lại mua một ít về bày biện cửa nhà. Thời đó giá rẻ lắm, người mua người bán ai cũng cảm thấy vui. Tiếng lành đồn xa, người ta ai cũng bảo hoa khu này rẻ nhất thành phố.

Phàm ở đời khu nào rẻ thì ắt hẳn kéo về đông. Phải nói thêm sở dĩ ban đầu cây cảnh ở đây rẻ nhờ vận chuyển bằng ghe, cứ thế mỗi khi đến dịp là ghe tàu kéo về đậu kín cả dòng sông. Song song với đó, lượng người mua cũng dần tăng lên. Người ta dần quy hoạch khu này thành một chợ hoa, bên cạnh người mua, lượng người đi xem cho biết cũng tăng lên đột biến. Dân chụp ảnh khắp nơi lũ lượt kéo về, tất cả hòa trộn thành thứ không khí Tết đặc trưng. Lẳng lặng theo đó, giá cả cũng âm thầm tăng theo.

Ban đầu, chỉ từ 23 Tết người bán mới bắt đầu chở hoa lên. Theo thời gian, thời điểm đó dần sớm hơn, 20 rồi 15, thậm chí có thời điểm mới mùng 10 âm lịch đã xuất hiện những gian bán hoa đầu tiên. Ai cũng muốn giành phần bán trước, áp dụng chiến thuật giá hớt váng, những người đầu tiên hét giá vô cùng ảo diệu. Những gian kế bên cũng không kém cạnh, thi nhau hò hét, kết quả người mua ai nghe cũng choáng ngất bỏ đi.

Khi những người đầu tiên mua được cây cảnh giá rẻ vào trưa 30 âm lịch, người ta bắt đầu kháo nhau. “Mua sớm làm chi mắc, canh trễ trễ hãy mua, nó không bán cũng bỏ thôi.” Một đồn mười, mười đồn trăm, trưa 30 chuyển thành chiều, chiều biến thành tối, tối trở thành giao thừa. Đỉnh điểm lên tới trưa mùng một nhiều người vẫn còn chưa mua. Họ chờ đợi những gian cố bán nốt sales off.

“Thời buổi làm ăn khó khăn, tiết kiệm được nhiêu hay nhiêu.” Vừa vét được hai chậu vạn thọ trưa mùng một giá 20.000, một bác giãi bày.

Cái không khí đặc trưng của chợ hoa từ vui vẻ trở nên nặng nề. Người bán người mua qua lại cố ghìm nhau. Rồi ban tổ chức tăng giá thuê gian hàng đến mức không tưởng; rồi khắp nơi ở đâu cũng mọc lên chợ hoa, khu chợ hoa ven sông vừa mắc, vừa thường, không còn gì đặc sắc cả. Như đã có sẵn mầm mống, nạn mua ngày 30 lây lan từ khu ven sông đến tất cả chợ hoa khác. Những tay nhiếp ảnh vừa chấm mút mấy tấm hoa lá, tiện thể làm luôn vài tấm tâm trạng đau khổ của người bán. Cộng đồng ai cũng lên tiếng, hãy cứu lấy người nông dân, hãy mua hoa trước 30! Kết quả chẳng ai cứu nổi. Cung vượt quá cầu, giá cả quá cao, không ai tìm được tiếng nói chung, nói vẫn cứ nói, ế vẫn hoàn ế…

Kinh doanh đơn giản không phải trò năn nỉ. Nó vận động theo những quy luật rất tự nhiên và khách quan. Người ta có thể động lòng một lần hai lần mà giúp nhưng chẳng thể trông cậy vào đó mà tưởng đó là kinh doanh hiệu quả. Chợ hoa ven sông đạt đến đỉnh dịp Tết Bính Thân, đánh dấu mốc thua lỗ nặng nề nhất của các gian hàng. Nhiều người bán bị đẩy đến đường cùng, thà đập bỏ chứ nhất quyết không bán rẻ. Lời ca thán ngập tràn khắp nơi.

Một năm lại trôi qua, đến hẹn lại lên, khu chợ hoa ven sông nhà hắn lại bắt đầu chuyển dịch.

Ở đó, người ta thấy ít người bán hơn, ở đó người ta thấy người bán chở hoa lên trễ hơn, ở đó người ta thấy một số gian hàng niêm yết luôn giá phải chăng hơn, và ở đó người ta thấy người mua bắt đầu dừng lại hỏi mua nhiều hơn. Không cần lời năn nỉ, không cần lòng thương hại, ở đó người ta thấy nụ cười của người bán, ở đó người ta thấy vẻ hài lòng của người mua. Và trên hết, ở đó người ta không còn thấy vẻ tội nghiệp ban phát nữa, ở đó người thấy sự sòng phẳng trong một cuộc mua bán.

Không ai bảo đảm những người bán kia sẽ có một năm thành công, không ai có thể đảm bảo tất cả số cây kia sẽ có chủ trong năm nay. Người ta chỉ biết rằng, khi đạt đến đỉnh cung, số lượng sẽ giảm dần. Cung sẽ đến lúc gặp cầu, quy luật thị trường rồi sẽ đến lúc gặp được nhau, đó cũng là cách thức vận động của muôn loại hàng hóa trên đời. Và chợ hoa cũng chẳng phải ngoại lệ.

“Hãy để cho chúng chết, chúng sẽ hồi sinh một cách mạnh mẽ hơn.” (Khuyết danh)