Bắt trend

Thường thì người ta nghĩ trong kinh doanh thì bắt trend, nắm được nhịp đập xu hướng là tốt. Tuy nhiên, nó cũng có một mặt trái, đó là khiến bạn nhìn đâu cũng cảm thấy có cơ hội, nhảy từ trend này sang trend khác mà không có thời gian thiết lập nền tảng vững chắc ở bất kì trend nào hay ngành nghề nào.

Khi nhìn vào một xu hướng kinh doanh mới, bao giờ người ngoài nhìn vào cũng thấy ngon. Vấn đề nằm ở chỗ, nó ngon là vì có những người đi trước đã xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho ngành đó rồi, và họ cũng sẽ là người làm chủ cuộc chơi ở đây.

Nhắc mới nhớ tới câu chuyện của Thomas Edison và Henry Ford (hai ông này về sau là bạn thân của nhau). Nói thêm, tuy mình là fan Nikola Tesla, nhưng Edison cũng có cái hay riêng về mặt kinh doanh, đáng học hỏi.

Lúc mới phát triển hệ thống điện chiếu sáng, thực tế nó không ngon như sau này mọi người tưởng. Khi đó, Edison mắc phải một vấn đề nghiêm trọng, đó là không có thợ điện. Do điện cũng chỉ mới được phổ biến thôi, nên làm gì có ai học làm thợ điện hay kĩ sư điện để mà tuyển dụng. Nếu không có đủ thợ điện, thì sẽ rất khó để khách hàng (cả các tổ chức nhà nước lẫn khách hàng tiêu dùng) đồng ý lắp đặt các hệ thống đèn điện, vì lỡ nó cháy bóng đèn hay chập điện thì coi như xong luôn. Vì vậy, để phát triển hệ thống, Edison phải đào tạo rất nhiều thợ điện.

Ngoài ra, do trước đó chưa hề có dụng cụ điện nào, nên Edison cũng phải phát triển từng thứ một, như công tắc, ổ cắm, thiết kế dây điện sao cho an toàn… (Hãy nhớ là lúc đó không hề có sẵn dây điện bọc nhựa, công tắc hay cầu chì…) Sau đó lại còn phải hướng dẫn mọi người sử dụng cho quen.

Đến lúc mọi thứ xung quanh đã ổn, thì người ta mới thấy kinh doanh điện chiếu sáng cũng khá ngon. Nhưng dĩ nhiên, lúc đó thì người nắm nền tảng mọi thứ là Edison chứ không phải là người mới.

Khi bạn thấy xu hướng mới thật ngon, thì đó là lúc đã quá trễ.

Henry Ford cũng vậy. Sau khi phát triển các thiết kế xe thì ông cũng như nhiều người làm ngành xe cùng thời phát hiện ra rằng thị trường không có thợ sửa xe. Nếu xe bị hư, người sử dụng nếu không thể sửa, thì coi như vứt luôn. Nếu thế thì họ sẽ không mua xe. Để giải quyết vấn đề, ông cũng phải đào tạo hàng loạt thợ sửa xe.

Cũng như trên, đến lúc mọi thứ xung quanh đã ổn, thì người ta mới thấy kinh doanh xe hơi cũng khá ngon. Nhưng dĩ nhiên, lúc đó thì những người kì cựu trong ngành mới là người nắm cuộc chơi.

Một lần nữa, khi bạn thấy xu hướng mới thật ngon, thì đó là lúc đã quá trễ.

Trong ngành sách cũng vậy. Hồi trước, lúc đồng chí Đỗ Nam Trung mới thắng cử và lên làm tổng thống, dĩ nhiên ai cũng biết sách của đồng chí sẽ bán rất chạy. Nhưng người mới khi bắt đầu đi tìm sách của ông thì mới phát hiện ra sách đã bị những nhà phát hành kì cựu mua bản quyền từ lâu. Vậy là đợt sóng đầu tiên những người đã ở dưới biển mới bắt được.

Những người bắt đầu thấy sóng cũng mon men xuống biển, và họ đi tìm mua những quyển sách mới mà các tác giả bên Mĩ viết sau khi Đỗ Nam Trung thắng cử. Tuy nhiên, sau khi mua bản quyền thì mất một thời gian họ mới viết xong. Sau công đoạn dịch, in, phát hành… thì đã qua 6 tháng/1 năm, xu hướng đã hạ nhiệt, sóng đã tan. Người mới đã bắt hụt trend.

Thế đấy, khi bạn thấy xu hướng mới thật ngon, thì đó là lúc đã quá trễ.

Vậy ta nên làm gì? Thay vì đứng núi này trông núi nọ, nhìn thấy xu hướng mới thì bỏ hết cái đang làm và nhảy sang, thì hãy làm cái nào tới nơi cái nấy. Những con sóng luôn xuất hiện ở ngành này ngành kia, nếu bạn kiên nhẫn đủ lâu, sóng sẽ xuất hiện ngay trong ngành của bạn.

Có khi, lúc bạn bỏ ngành đang làm và nhảy sang bắt trend mới ở ngành khác, thì sóng đã bắt đầu xuất hiện ở ngành mà bạn vừa bỏ đi rồi…

PS: Mình không có ý nói không nên nhìn ngắm ngành khác. Chỉ là, khi nhảy sang bắt sóng ở ngành khác, thì đừng hắt hủi ngành mình đang làm. Và khi đã quyết định làm thêm ngành mới, thì đừng nhảy với tư duy bắt trend ăn ngay.

Cái gì cũng phải đầu tư và có thời gian tích lũy. Có làm thì mới có ăn, nếu không thì chỉ nuốt được chút bọt biển mà thôi.

Sách có liên quan

1. HENRY FORD – TÔI VÀ FORD MOTOR: nói về tình hình thực tế lúc Ford mới ra hãng xe.

2. SỰ THẬT VỀ EDISON: do Ford kể lại, nói về cách tư duy và bối cảnh lúc Edison mới mở công ty chiếu sáng.

3. LỐI TẮT KHÔN NGOAN: nói về cách bắt sóng. Bạn phải có sẵn thực lực tích lũy trước khi bắt sóng, vì nếu không có gì khác mà chỉ may mắn trúng sóng, bạn cũng sẽ lên được một lóe rồi chợt tắt.