“Tao không làm nữa! Tụi mày tưởng tụi mày là ai mà bắt tao làm một mình!”
Hắn tung hết tập vở, bút thước trên bàn, quăng vào góc tường rồi lăn ra nằm, trông có vẻ hậm hực lắm. Lẽ ra hắn cũng định quăng luôn cái laptop rồi, nhưng nghĩ lại thì hắn không dám.
Chả là hắn và lũ bạn, như mọi đứa sinh viên kinh tế khác, lại được phân làm bài nhóm. Và như mọi cái nhóm sinh viên khác, nhóm của hắn có đủ mọi loại thành phần: từ thằng gánh team (cái giống gì cũng phải làm), cho tới tụi nhiệt tình nhưng phá hoại (giao việc đều làm nhưng làm quá kém), những đứa đại gia (bài nhóm thì không làm, nhưng in ấn hay chi tiền thì đều giành chi), cho tới tụi ninja (ẩn mặt, chỉ lộ diện vào ngày đầu nhận team và ngày cuối chấm điểm)…
Là một thằng thuộc dạng gánh team nên hắn quạu lắm. Bài thì nhiều mà có mỗi một đứa làm, hẳn là phải quạu chứ! Nhưng hắn không làm thì ai làm, mà nhìn bài tụi kia ngứa mắt quá. Không biết thần thánh phương nào đã nghĩ ra cái trò làm việc nhóm. Khi giao bài nhóm, thầy hắn nói là phải luyện làm nhóm trong trường cho quen, sau này ra ngoài cần kỹ năng này lắm. Cần hay không chưa thấy, mà thấy bực rồi! Nhóm lại bị ép làm chứ không được tự chọn nữa. Thà làm một mình còn nhanh hơn. Nếu hắn sau này mà làm sếp á hả, hắn sẽ cấm nhân viên làm việc nhóm. Đứa nào mà nhắc tới ba chữ này hắn sẽ đuổi ngay không thương tiếc! Toàn cãi nhau với cả đùn đẩy chứ hợp tác khỉ gì…
Nằm tức mình nghĩ ngợi một lúc lâu, hắn lại ngồi dậy, thở dài và… cày tiếp.
Tội hắn thiệt, nhưng vấn đề là những thứ mà hắn nghĩ trong đầu từ nãy đến giờ… không đúng. Làm việc nhóm là một thứ rất cần thiết và hiệu quả, nhưng muốn hiệu quả thì trước hết phải có mấy điều kiện sau đây:
1. Muốn làm nhóm phải có một mục tiêu chung mà không một người riêng lẻ nào làm được.
Cái này nghe sách vở, nhưng đa số sách vở chỉ nói một nửa mà thôi. Đúng là làm nhóm cần mục tiêu chung, tuy nhiên mục tiêu này phải là mục tiêu mà không có bất kỳ một người riêng lẻ nào làm được, vì vậy mọi người mới bắt buộc phải hợp tác với nhau. Nếu như mục tiêu này có thể thực hiện được bởi chỉ một người, nhu cầu hợp tác không có, nhóm nhiều khả năng đổ vỡ. Nói cách khác, đây là chất keo kết dính mọi người lại. Nghĩ thử xem, nếu công việc không thể thực hiện một mình, thì sẽ không có chuyện người này chảnh, người kia bỏ bê, vì nếu làm vậy thì chết cả lũ.
Ở đây, thầy hắn giao bài tập nhưng giao sai cả 2 nguyên tắc: (1) do nhóm là được phân nên không phải ai cũng cùng mục tiêu, từ đó mới xuất hiện đội ninja; và (2) do bài tập được giao chỉ cần đội gánh team là hắn là đủ làm, nên đội gánh team cằn nhằn một lúc rồi lại… tự làm cho nhanh.
Điều kiện này chưa đủ, ngoài ra còn…
2. Các thành viên nhóm phải có khả năng, ít nhất là để thực hiện đạt chuẩn công việc được giao nào đó.
Dù theo sách vở thì ai cũng có tài riêng, nhưng thực tế phũ phàng buộc ta phải thừa nhận là, có những người hoàn toàn không có khả năng thực hiện công việc chung. Ví dụ, nếu bắt tác giả bài này đi… đá banh, thì dù chơi ở vị trí nào hắn cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ nổi (hồi nhỏ hắn đá banh, 30 phút chưa đụng banh được lần nào).
Ngoài ra, nâng tầm một chút, thì thành viên nhóm còn cần có đủ khả năng tư duy tổng quan để biết rằng mình cần phải vào nhóm này. Có những người khả năng làm việc thì có, nhưng không đủ khả năng nhìn nhận mục tiêu chung và hòa hợp với người khác (nói ngắn gọn là EQ thấp), đó là loại cần tránh, vì họ sẽ làm rối đội hình.
Mà muốn tránh những người này thì thầy hắn không được ép buộc nhóm phải có người này hay người kia mà phải để tự chọn.
Nhưng có khả năng thôi chưa đủ…
3. Khả năng của thành viên phải không thể thay thế được (một cách tương đối), người này buộc phải có người kia để hoàn thành công việc.
Đây là thứ tạo thế cân bằng cho nhóm. Nếu (1) là lý do người ta chấp nhận làm nhóm, (2) là lý do một thành viên nào đó được phép tham gia, thì (3) là lý do khiến từng thành viên không thể bị thay thế. Nếu khả năng của anh A quá phổ thông và có thể bị thay thế dễ dàng, nhiều khả năng anh này khó ngồi lâu trong nhóm. Hài hước là, ai cũng nghĩ theo kiểu “mình chấp nhận làm với tụi nó” chứ không chịu nghĩ vì sao tụi nó lại chịu làm với mình!
***
Vậy, muốn có nhóm bền vững và hiệu quả thì cần cả 3 điều kiện trên. Tóm lại:
– Việc quá dễ không cần làm chung thì không nên làm nhóm.
– Người có mục tiêu khác nhau không trùng với mục tiêu nhóm thì không nên làm nhóm.
– Người không có khả năng làm việc thì không nên làm nhóm. Làm một mình chưa xong thì nhóm cái gì.
– Người có khả năng làm việc mà quá kém tổng quan và thù ghét con người, không thấy được lý do vì sao nên làm nhóm thì không nên làm nhóm.
– Người có khả năng quá dễ bị thay thế thì có thể làm nhóm, nhưng không bền. Nếu các cộng sự dễ thay thế nhau thì sao lâu dài được.
Chỉ vậy thôi. Nói ngắn gọn, vì bắt sinh viên làm nhóm vô tội và và phân nhóm kiểu ép buộc, nên thầy của hắn đã tạo nên những nhóm làm việc kém cỏi, từ đó mới sinh ra các đội như đội gánh team hay đội ninja đã nói ở trên. Trời ơi, trên thực tế làm gì có nhóm nào chụm cả chục đứa làm mấy việc cỏn con! Than ôi, hắn không có tội, làm việc nhóm cũng không có tội.
À không, hắn có tội. Tội duy nhất của hắn là học nhầm thầy.