Ảo tưởng tự nguyện

Đó là phút thứ 85 của trận chung kết World Cup năm 1990, sau một khoảng thời gian dài căng thẳng, tỷ số giữa hai đội vẫn đang là 0-0. Trong phút chốc, bóng thuộc quyền kiểm soát đội Tây Đức được chuyền đến chân của Rudi Völler. Anh chạm bóng, đẩy chân lên một nhịp, nhướn người lên và… ngã vờ. Trọng tài không ngần ngại chỉ tay vào chấm 11m. Tuyển Tây Đức tận dụng cơ hội ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, đánh bại Argentinia và trở thành nhà vô địch thế giới. Cú ngã của Völler đi vào lịch sử như một trong những cú ngã vờ nổi tiếng nhất làng bóng đá.

Không cần đợi lâu, chỉ trong thời gian ngắn, ngã vờ trở thành mốt thời thượng của các cầu thủ. Tình trạng này phổ biến đến nỗi Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA phải ban hành thêm nhiều biện pháp kiểm soát, trong đó có tăng hình phạt cảnh cáo thẻ vàng và phạt tiền cho đối tượng cố tình giả té. FIFA mong đợi các cầu thủ sẽ cảm thấy xấu hổ mà tự nguyện làm đúng. Thế nhưng, họ đã lầm to.

Cho đến trước năm 2015, tình trạng phương tiện vận tải chở quá tải ở Việt Nam gần như mất kiểm soát. Dẫu đã nhiều lần kêu gọi và tuyên truyền về việc chở đúng trọng tải sẽ giúp bảo vệ tài sản cầu đường chung, thực trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra. Đối với tổ chức vận tải, nếu đầu tư một xe tải mới phải cần 400-600 triệu đồng (loại xe có trọng tải tầm 1-2 tấn) thì thay vì vậy cứ mặc nhiên chở quá tải gấp vài lần. Nghị định 171 năm 2014 quy định chỉ phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi chở quá tải gấp nhiều lần, ngoài ra tài xế điều khiển phương tiện sẽ không bị phạt tiền. Rõ ràng, chi phí bị phạt nếu có so với mức lợi nhuận thu được từ tiền tiết kiệm mua xe mới và chở quá tải gấp nhiều lần là quá nhỏ bé. Tâm lý con người, cái nào lợi thì phải làm thôi.

Tương tự như thế, suốt từ đó đến nay, giới cầu thủ vẫn chực chờ té ngã mỗi khi có cơ hội. Không khó hiểu, một cú ngã vờ nếu qua mặt được trọng tài có thể mang lại một cú đá phạt trực tiếp hoặc đá phạt đền. Thậm chí, cầu thủ đối phương va chạm với người ngã có thể bị phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ do ngăn cản bàn thắng. Nhất cử lưỡng tiện, đổi lại nếu bị bắt gặp cùng lắm chỉ bị phạt cảnh cáo một thẻ vàng và vài nghìn đô, chưa bằng số lẻ so với mức lương hàng tuần của các cầu thủ có tiếng. Rõ ràng, cái lợi đạt được là chiến thắng hoặc chức vô địch so với cái giá phải trả quá nhẹ làm cho các cầu thủ không ngần ngại té xuống.

Sau nhiều cuộc tranh luận, đầu năm 2015, mức phạt xe quá tải được điều chỉnh. Trong quy định mới, chủ phương tiện sẽ bị phạt đến 36 triệu đồng, tăng gấp 4-5 lần so với hành vi chở quá tải gấp nhiều lần trước đây. Riêng lái xe sẽ bị phạt thêm 8 triệu đồng và tước bằng lái 3 tháng. Trong thời gian 2 năm 2015 và 2016, tình trạng xe quá tải giảm mạnh. Tổng mức phạt mới bằng đến 10% giá trị một chiếc xe mới và gấp hàng chục lần lợi nhuận thu được từ một chuyến cố chở quá tải. Giờ đây, mức phí phát sinh so với lợi nhuận thu được là quá nhỏ bé, các tổ chức vận tải thà đầu tư mua thêm xe mới và tăng nhiều chuyến chở còn hơn liều lĩnh chở quá tải. Chỉ 1 chuyến bị phạt sẽ xóa sổ công sức làm cả tháng, rủi ro rõ ràng cao hơn lợi nhuận rất nhiều.

Cùng chung quan điểm đó, từ mùa giải 2017-2018, Hiệp hội bóng đá Anh FA dự định sẽ cấm cầu thủ cố tình ngã vờ thêm 2 trận sau khi phân tích băng hình trận đấu. Động thái này nhằm tăng mức răn đe đối với các cầu thủ thường hay giả té ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Dẫu so với vinh quang chiến thắng các trận quan trọng và ngôi vô địch thì mức phạt trên vẫn còn quá nhẹ, hành động quyết liệt này cho thấy các Hiệp hội bóng đá sẽ còn tuyên chiến nhiều với những “diễn viên” sân cỏ.

Nếu ai còn nghi ngờ vào tính tự giác tuân thủ có lẽ nên theo dõi vụ triệt phá tập đoàn ma túy lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam vừa qua. Thậm chí chi phí đổi lại có là cái chết cho án tử hình, những đối tượng này vì mức lợi nhuận kinh khủng vẫn sẵn sàng thực hiện. Nếu ngay cả tính mạng của bản thân cũng không màng như vậy thì trông mong gì những chủ kinh doanh thực phẩm bẩn, hóa chất phụ gia, mỹ phẩm giả… với mức phạt tiền còn nhẹ sẽ quan tâm đến sức khỏe cộng đồng?

Khi đứng trước hàng đống tiền, đừng mong mỏi phép màu tự nguyện. Các nhà kinh tế đã rất tỉnh táo khi quy tất cả về con số lợi nhuận và chi phí. Cách tốt nhất để hạn chế một hành động gây hại là khi lợi nhuận quá bé so với chi phí mà thôi.