Chuyện giao quyền

Giao quyền là một nghệ thuật, sách vở quản trị luôn đề cao giao quyền. Dĩ nhiên, trên lý thuyết, giao quyền mang lại rất nhiều lợi ích.

Cứ tưởng tượng đơn giản ta mở một quán cafe rang xay, chả nhẽ suốt ngày ta ngồi canh quán, còn làm được việc gì nữa? Rồi tới lúc làm ăn phát đạt, mở được vài quán, làm sao ta có thể phân thân mà ngồi canh? Vì thế, bắt buộc phải giao quyền. Nếu mọi chuyện tốt đẹp lý tưởng, ta mở dăm ba quán cafe, ngày ngày ngủ dậy chạy qua quán này quán kia nghe nhân viên báo cáo tình hình, xem doanh thu lợi nhuận, sống đời nhàn nhã phong lưu, còn gì tuyệt hơn thế!

Nhưng, đời không như là mơ…

Câu chuyện 1:

Hắn còn nhớ, mẹ hắn – người lăn lộn bao năm trên thương trường phán một câu như sau: “Giao quyền là tự sát.” Tại sao lại như vậy, chả lẽ mẹ hắn nói sai, nếu mẹ hắn nói đúng thì sách vở lại sai sao? Không hẳn, ai cũng có cái lý của mình.

Mẹ hắn kể: “Hồi xưa chỗ mẹ làm là một công ty của ông chủ Đài Loan, cùng thời với mẹ có rất nhiều nhân viên người Việt. Sau một thời gian khoảng hai ba năm đi làm, mẹ là người làm sổ sách nên nắm bắt được hết giá cả hàng hóa. Những nhân viên kinh doanh thì nắm được khách hàng, nhân viên kỹ thuật thì nắm được công nghệ của Đài Loan. Rồi tới lúc, lần lượt từng người xin nghỉ, trong đó có mẹ. Ai cũng ra làm riêng, mỗi người giành một phần khách, xây dựng một cơ sở riêng. Công ty Đài Loan ngày một đi xuống và hiện tại chỉ còn là một cửa hàng nhỏ trong khu chợ quận 8.”

Câu chuyện 2:

Công ty của hắn vốn là công ty chuyên bán sỉ, phân phối cho các đại lý. Khu vực Bình Dương là khu vực trọng điểm khu công nghiệp phía Nam, tập trung hàng trăm ngàn công ty lớn bé khác nhau. Những khách hàng lâu năm, những đại lý chuyên mua hàng của hắn sẽ phân phối cho các công ty sử dụng.

Đại lý A nọ vốn dĩ là một khách hàng lớn, bên cạnh mặt hàng đinh công nghiệp, họ còn mua thêm hàng trăm loại mặt hàng phụ trợ khách nhau để phân phối. Đại lý A có 5 nhân viên chia nhau nhiệm vụ thu mua hàng hóa và phân phối, họ làm rất tốt, kiếm được rất nhiều khách hàng và mua được hàng hóa đầu vào với giá rất rẻ.

Một ngày nọ, bỗng dưng hắn nhận được cuộc gọi từ đại lý A, người nghe điện thoại không phải giọng nói quen thuộc thường khi mà chính là giọng ông chủ (lần đầu tiên hắn nghe giọng ông chủ sau 3 năm buôn bán với nhau). Ông ấy – bằng một giọng pha chú hốt hoảng – giãi bày về việc 3/5 nhân viên thân cận vừa xin nghỉ tháng qua, kéo theo 3/4 khách hàng của ông. Ông ta nài nỉ hắn đừng bán cho những người đó, ông ta sẽ mua của hắn số lượng nhiều hơn nếu hắn chịu. Vừa cúp máy không lâu, hắn nhận được tin nhắn của 1 trong 3 nhân viên kia: “Giờ em tách ra làm riêng, anh ưu tiên bán hàng cho em nha, em mua số lượng nhiều, thanh toán nhanh gọn, không kì kèo như anh B đâu (ông chủ cũ).” Là một người bán, hắn đành phải bán, ai mua thì bán chứ biết sao…

Câu chuyện 3:

Hắn có một khách hàng Hà Nội, trước giờ mua hàng thường chỉ định một nhà vận chuyển vào tận nơi lấy hàng. Chủ công ty vận chuyển tên Th., nhưng nhân viên marketing trực điện thoại là một giọng nữ tên T. (người thường xuyên liên lạc).

Gần đây hắn liên tục nhận được điện thoại của ông Th. năn nỉ mỗi khi có hàng hãy liên lạc với bên ông, rằng chị T. – trợ thủ đắc lực của ông vừa tách ra làm riêng sau Tết. Sau đó không lâu, vị khách hàng Hà Nội liên hệ và chỉ định từ giờ trở đi hãy gửi hàng cho bên chị T. vì giá rẻ, rằng hầu hết khách hàng của ông Th. giờ đã chuyển qua hết bên chị T…

Ba câu chuyện, ba khu vực, ba thời điểm, ba ngành nghề khác nhau và có chung một kết cục. Hắn nhận ra mẹ hắn không sai, và sách cũng không sai. Đối tác Trung Quốc từng nói một câu hắn rất tâm đắc “Phàm là việc trong công ty, việc nhỏ mày không cần lo nhưng việc mắt xích mày phải nắm. Nếu mày không nắm phải cho người gia đình cực kỳ thân cận nắm, nếu không có ngày mày sẽ hối hận.” Nhiều người đã hối hận, hy vọng hắn sẽ không nằm trong số đó…