Chọn ngành và đam mê

Chắc cũng khoảng thời gian này mười mấy năm về trước, mình vào lớp 12 và bắt đầu chọn ngành chọn trường đại học.

Về học lực thì mình tự tin sẽ đậu hầu hết các trường mình muốn. Gia đình thì không ép gì, vẫn là tùy mình. Mình cứ chọn ngành mình thích là được.

Nhưng đến lúc này xuất hiện một vấn đề: Mình thích ngành nào? Mình thích làm gì? Mình cũng không biết.

Thật kì lạ, người ta luôn muốn được làm theo ý thích của mình, nhưng đến khi được tự do lựa chọn, đôi khi họ lại chẳng biết mình thực sự muốn gì.

* * *

Có một sự thật hầu như ai cũng sẽ thấy đúng, nhưng lại quên đi mất, đó là người ta thường chỉ có thể muốn cái mà người ta có thể hình dung ra, tức là phải có một hình mẫu. Đó là lí do khi hỏi mấy em bé nhỏ lớn lên thích làm gì, các bé sẽ trả lời là làm giáo viên, bác sĩ (là những người bé thường gặp), hoặc là phi hành gia, công an (chắc là do ảnh hưởng của các câu chuyện trong sách), người mẫu (xem ti vi). Đặc biệt, cha mẹ làm nghề gì thì nhiều bé cũng sẽ nói thích làm nghề đó.

Cũng vì vậy, nếu trong quá trình lớn lên, ta ít gặp những người nằm ngoài vòng tròn của mình, thì những cái ta muốn sẽ chỉ xoay quanh trong số ít lựa chọn đó mà thôi. Mà với đa số mọi người, thì bấy nhiêu đó lựa chọn đều không thực sự phù hợp với họ.

* * *

Về phần mình hồi đó lớn lên ở một tỉnh xa. Môi trường xung quanh chủ yếu là giáo viên nên hình mẫu của mình cũng là giáo viên. Đến năm lớp 12 mình cũng chưa có hình dung nào khác ngoài việc học sư phạm. Tuy nhiên, vẫn có gì đó còn băn khoăn, vì tuy mình thích các kiến thức, nhưng mình không thích đứng trên lớp giảng dạy cho lắm. Mình thích kiểu lên kế hoạch này nọ hơn. Ngoài ra, nếu đi dạy, thì còn phải chọn dạy môn nào nữa, mà mình thì vẫn còn lưỡng lự giữa toán và Anh.

Thế là đến ngày nộp hồ sơ. Sau một hồi lâu suy nghĩ thì mình chọn ngành… kinh tế (cụ thể là QTKD, tuy rằng kinh doanh và kinh tế học có khác nhau, nhưng lúc đó mình không biết), vì đó là ngành mà mình nghĩ có sự kết hợp giữa toán và các môn xã hội. Mình chọn Đại học Kinh tế TPHCM cũng đơn giản vì ở đây, học xong 1.5 năm thì mới bắt đầu chọn lại ngành từ đầu (bây giờ hình như bỏ kiểu này rồi), coi như kéo dài thời gian một chút. Đến tận lúc đó, mình cũng chưa hình dung được học kinh tế là học gì. Cơ bản là không có một hình mẫu rõ ràng nào trong đầu cả.

Cuối cùng, sau chục năm lăn lộn, mình đã có đủ bằng cấp để đi dạy, cũng như đã cùng bạn bè mở được một công ty nhỏ về sách, mình mới hiểu là mình không thực sự muốn đi dạy, cũng không thực sự muốn làm kinh doanh (dù cả hai đều hỗ trợ rất nhiều cho công việc của mình). Tuy có thể nói hiện nay mình đã có một công việc mãn nguyện (suốt ngày đọc, dịch, viết sách…), nhưng nếu xét cho đúng ra, thì lựa chọn hồi năm lớp 12 của mình đã hoàn toàn đi lệch: mình không hề chọn cái lúc đó mình đam mê.

Bây giờ nhìn lại, thực ra hồi đó cái mà mình đang mê nhất chính là viết (trên Yahoo 360!). Nhưng hồi đó có ai hỏi, thì mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện làm công việc viết lách. Cơ bản là không có một hình mẫu nào về chuyện viết để kiếm sống trong mắt mình hồi đó.

* * *

Có 3 điều mình rút ra được từ chuyện này:

1. Lẽ ra trong thời còn đi học, ngoài việc học, nếu có cơ hội được tham khảo và trải nghiệm những hình mẫu ngoài vòng tròn của mình thì chắc sẽ lựa chọn đúng hơn ngay từ đầu. Thời đó thì khó, nhưng bây giờ chắc dễ hơn. Có lẽ ngoài việc dạy kiến thức, nên để trẻ được tiếp xúc nhiều người ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó có cơ sở mà ra quyết định.

2. Những thứ sở thích được xem là ngoài lề có khi lại là thứ tạo nên điểm khác biệt cho bạn sau này. Cuối cùng, chuyện viết blog cho vui của mình lại đóng vai trò quan trọng cho công việc của mình. Nhìn quanh mình cũng thấy rất nhiều bạn bè của mình như vậy.

3. Có thể mình sẽ mông lung không biết lựa chọn như thế nào, nhưng rồi mọi chuyện sẽ ổn. Không ai có thể lựa chọn hoàn hảo ngay từ đầu. Những thứ tưởng chọn sai thực ra cũng hỗ trợ cho cái đúng sau này. Nếu không biết đam mê của mình là gì, cứ tiếp tục, có thể nó nằm ở đâu đó trên con đường phía trước.

Nhưng nếu vẫn không tìm được đam mê thì sao? Không sao cả, nếu không làm được cái mình thích, ta vẫn có thể thử thích cái mình làm.