Đừng thoát ra khỏi vùng an toàn

Vùng an toàn trong tiếng Anh vốn dĩ là comfort zone, tức là vùng thoải mái (có người đề xuất chữ “vùng an nhàn” – mình thấy chữ này cũng rất hay). Khi nhìn cho kĩ, thì an toàn và thoải mái không hề đồng nghĩa với nhau. Ví dụ, bạn ngồi nhậu trong phòng máy lạnh thì sẽ thoải mái hơn là ra ngoài trời nóng nhậu, nhưng cả hai đều an toàn. Nhưng nếu bạn chạy dọc xa lộ, thấy cây nhiều mát, nên trải chiếu ra giữa đường ngồi nhậu, thì nó có thể thoải mái, nhưng không an toàn.

Khổ cái là nhờ dịch bị lệch, nên rất nhiều người đã tin vào việc vượt ra khỏi vùng an toàn thay vì vùng thoải mái của họ. Điều này rất nguy hiểm. Ví dụ, nếu khởi nghiệp và tư duy theo kiểu vượt ra vùng thoải mái, bạn có thể trích một phần tiết kiệm để mở công ty và làm những việc mới lạ với mình. Như thế, bạn sẽ rơi vào trạng thái không thoải mái lắm (vì phải học nhiều thứ mới) nhưng bạn vẫn an toàn. Nếu thất bại thì bạn mất tiền nhưng cuộc sống không quá bị ảnh hưởng.

Ngược lại, nếu chơi theo kiểu vượt ra khỏi vùng an toàn, nhiều khả năng bạn sẽ dùng hết tiền của mình, cộng thêm vay khắp nơi, để khởi nghiệp một lần được ăn cả ngã về mo. Khi đó, bạn không an toàn. Nếu thua một lần, coi như đi ăn mày luôn.

Vậy điểm khác biệt giữa thoải mái và an toàn là gì? Mấu chốt nằm ở trường hợp xấu nhất (worst-case scenario). Khi vượt qua vùng thoải mái, trường hợp xấu nhất bạn thất bại, có chút trầy xước, nhưng vẫn ổn, khi đó bạn sẽ tập trung mà tiến bước. Khi vượt ra khỏi vùng an toàn, trường hợp xấu nhất thì bạn toi luôn. Không biết những người khác thì sao, chứ bản thân mình, nếu thấy thất bại thì toi, mình sẽ khó mà tập trung học tập và làm việc để nâng cao năng lực được.

Bởi mới thấy, sai một li đi nghìn dặm. Chỉ buồn một nỗi, cái sai này vẫn đang còn lan mạnh hơn cái đúng, và rất nhiều người mỗi ngày vẫn đang đặt bản thân mình và những người xung quanh vào trạng thái nguy hiểm chỉ vì hiểu sai một từ.

(Nghĩ cũng lạ. Trái nghĩa với an toàn là nguy hiểm. Khi vượt ra khỏi vùng an toàn, rất nhiều người thích. Nhưng khi nói là đi vào vùng nguy hiểm, thì chẳng ai muốn. Đúng là sức mạnh của ngôn từ.)