Làm thế nào để tìm được đam mê?

Hay nói cách khác, làm thế nào để tìm được câu chuyện “có ý nghĩa” của đời mình?

Steve Jobs đã làm gì khi dụ John Sculley rời khỏi vị trí CEO Pepsi? Ông hỏi, “Anh muốn dành suốt phần đời còn lại để bán nước đường hay muốn có cơ hội đổi thay thế giới?”

Nhưng không cần thiết đến nỗi phải đổi thay thế giới, đôi khi đổi thay chính bản thân ta đã đủ rồi. Và theo tác giả Eric Barker trong quyển Chó sủa nhầm cây, có một cách đơn giản để tìm được ý nghĩa cuộc đời mình: Hãy nghĩ về cái chết.

Vy Ngọc Tài là một thanh niên tốt nghiệp và làm về nghề ngành xây dựng ở TPHCM. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như năm 28 tuổi anh không bị bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư và chỉ còn sống được chừng 6 tháng.

Đang ở độ tuổi phơi phới nhiều hoài bão, đùng một cái, biết mình chỉ còn sống được 6 tháng, viễn cảnh trước mắt chỉ có một màu đen kịt. Với nhiều người, có lẽ cuộc đời đến là hết, và những tháng ngày còn lại của họ chỉ là mòn mỏi chờ chết.

Nhưng với anh Tài, anh đột nhiên tự hỏi, “Mình còn điều gì chưa làm trước khi nhắm mắt?” Anh vốn từ lâu đã có ước mơ làm mô hình giải trí trong điện ảnh, và nếu chỉ còn có vài tháng để sống, sao lại không thử? Có gì để mất nữa?

May mắn thay, sau đó anh nhận được kết quả bác sĩ chẩn đoán… không có tế bào ung thư. Thoát được tử thần trước mắt, nhưng những tháng ngày sống trong tử thần tâm trí cùng với những câu hỏi đăng đẳng kia đã thay đổi anh thật sự.

Anh quyết định bỏ hết việc xây dựng đang làm và mở công ty làm mô hình giải trí. Sau thời gian mày mò khó khăn ban đầu, công ty dần phát triển và gặt hái được thành quả. Có thể thấy nếu như không có cú chẩn đoán nhầm đó, liệu bản thân anh Tài khỏe mạnh với công việc xây dựng ổn định có dám nhảy ra làm một ngành “phiêu lưu” như vậy? Có lẽ là không.

Trong bài phát biểu nổi tiếng của mình tại Đại học Stanford vào năm 2005, Steve Jobs đã nói, “Nhớ rằng mình sẽ chết sớm thôi chính là công cụ quan trọng nhất tôi từng biết giúp đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời.”

Cái chết có thể là số phận – thứ chúng ta không thể tránh được. Nó sẽ đến dù cho ta có cố chạy thế nào đi chăng nữa. Nhưng trái lại, vẫn còn một thứ gọi là định mệnh – là thứ ta phải theo đuổi, là những gì chúng ta phải cố tạo cho được kết quả. Là những gì ta phải phấn đấu biến thành sự thật.

Thành công không đến từ việc nhún vai trước chuyện xấu, nghĩ là mình không thể thay đổi gì được và nói rằng mọi sự “vốn sẽ như thế.” Thành công là kết quả của việc đuổi theo điều tốt đẹp và viết nên tương lai của chính mình.

Ít số phận đi, nhiều định mệnh hơn.

———

@Nguồn: Vnexpress + Sách Chó sủa nhầm cây