Chó sủa nhầm cây – Thời giờ của ta đáng giá bao nhiêu?

Có một ví von vui về Bill Gates thế này, rằng nếu đang đi trên đường mà nhìn thấy tờ 100 USD, ông sẽ không nhặt. Vì nội 1 giây của ông thôi đã đủ kiếm thêm tận… 120 USD. Cúi xuống nhặt rồi ngước lên thì tốn bao nhiêu giây rồi?

Đương nhiên, đây chỉ là một so sánh hình tượng vui, vì thực tế thì Gates từng nói đùa rằng có thấy 100 USD thì mình vẫn nhặt để đóng góp vào quỹ từ thiện, và trong thời gian đó tài sản của ông vẫn tăng thêm vì đó là khoản đầu tư. Thế nhưng, bản chất của so sánh này đã vô tình tiết lộ một quy tắc luôn là kim chỉ nam trong tư tưởng thành công: sự từ bỏ.

Trong quyển sách Chó sủa nhầm cây, “nhà khoa học Csikszentmihályi có lần muốn tiến hành một nghiên cứu về những người thành công sáng tạo nhất, gồm: 275 người thắng giải Nobel, giải National Book Award, cùng một số đầu tàu trong các lĩnh vực khác.

Đây là một nghiên cứu lớn được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu danh tiếng, và sẽ được công bố rộng rãi. Chỉ cần được mời tham gia thôi là cũng đã khiến người ta vinh dự cực kỳ. Nhưng điều gì đã xảy ra?

Hơn 1/3 số người được mời từ chối. Nhiều người thậm chí không thèm trả lời. Họ có việc quan trọng để làm rồi. Csikszentmihályi đã mời Peter Drucker và nhận được hồi đáp như sau:

“Tôi hy vọng anh không nghĩ tôi chảnh hay thô lỗ nếu tôi nói rằng một trong những bí mật để làm việc năng suất… chính là sắm một cái thùng rác thật to để xử lý tất cả mớ lời mời như của anh.”

Lý do Drucker được mời tham gia phỏng vấn là bởi ông là chuyên gia nổi tiếng thế giới về hiệu quả và hoàn thành công việc. Drucker nghĩ thời gian chính là nguồn lực quý giá nhất. Và câu đầu tiên ông thường khuyên mọi người không phải là lên thời gian biểu tốt hơn, mà là DẸP BỎ hết mọi thứ không có tác dụng gì đáng kể đến việc đạt được mục tiêu.

Chúng ta không thích nghĩ về giới hạn, nhưng ai cũng đều có nó. Nghiên cứu về các vận động viên Olympic có ghi nhận câu nói sau, “Mọi thứ đều là cơ hội/chi phí. Nếu tôi đi xem phim thay vì đi ngắm cảnh để khuây khỏa, thì cái giá là gì? Nếu tôi đi xem phim thay vì ngắm cảnh, nó sẽ giúp ích hay làm hại đến khả năng chèo thuyền của tôi?”

Người ta thường nói thời gian chính là tiền bạc, nhưng họ đã sai. Chúng ta thường rất thận trọng khi dự đoán mình sẽ có thêm bao nhiêu tiền trong ví, nhưng khi nói về thời gian, chúng ta luôn nghĩ sẽ còn có ngày mai. Hay tuần sau. Hay năm sau nữa.

Đó chính là một trong những lý do khiến nhiều người cảm thấy vội vã, mệt mỏi, như thể mình chưa làm được đủ nhiều, chưa tiến bộ đủ xa. Ai cũng đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Thế nhưng, ta lại hành động như thể không có giới hạn nào. Khi chọn làm thêm giờ, ta cũng đồng thời chọn dành ít thời giờ hơn cho người thân. Chúng ta không thể làm tròn tất cả mọi thứ. Và sau này ta cũng chẳng có thêm nhiều thời gian hơn…

Khi chúng ta nghe về 10.000 giờ luyện tập mà những chuyên gia đã trải qua để trở nên vĩ đại, con số ấy trông khá ngợp. Nhưng mọi chuyện bắt đầu trở nên rõ ràng một khi ta nhận ra số lượng hoạt động mà những người thành công đã loại bỏ để có thể dành thời gian phát triển bản thân. Không có gì ngạc nhiên khi những giờ phút đó lại làm nên khác biệt.

Nếu bạn luyện tập thứ gì đó 1 giờ/ngày, mất khoảng 27,4 năm để đạt được mốc 10.000 giờ chuyên gia. Nhưng nếu như bạn từ bỏ vài thứ ít quan trọng hơn và dành ra 4 giờ/ngày thì sao? Bây giờ thì chỉ mất 6,8 năm thôi. Đó chính là sự khác biệt giữa khởi đầu thứ gì đó ở tuổi 20 rồi trở thành chuyên gia năm 47 tuổi và khởi sự tuổi 20 rồi đạt đến đẳng cấp thế giới năm 27 tuổi.”

Vậy nếu bạn muốn nghiêm túc làm ra ngô ra khoai chuyện gì đó, hãy xác định ưu tiên số-một. Sau đó từ bỏ những thứ không quan trọng bằng và xem điều gì sẽ đến. Liệu bạn sẽ chọn 47 tuổi hay 27 tuổi?