Món đồ đắt tiền và cái tâm người bán

“Tao xem mãi mà chẳng biết mua chỗ nào mày!” Thằng bạn nói, giọng hoang mang.

Số là sau bao ngày chạy Grab tích cóp được số tiền, nó muốn mua một cái Iphone dùng cho cập nhật công nghệ. Cái này là mơ ước của nó lâu rồi nên hắn cũng không dám lải nhải bài ca phân tích tiết kiệm gì cả. Nhiều người không hiểu được cảm giác của một người khi cố để dành được tiền để mua được món gì đó nó khao khát ra sao. Mỗi người có một ước mơ nhu cầu riêng – và nền kinh tế thì vốn vận động dựa trên cung cầu như vậy. Ai cũng chọn việc tiết kiệm – tiêu dùng biết dành phần ai?

Vấn đề là thằng bạn không được rành về hàng công nghệ giá trị cao lắm, nên bữa cà phê hôm nay hắn được mời làm “chuyên gia” cho lời khuyên.

“Tao coi nhiều chỗ giá bán cũng rẻ, khuyến mãi các kiểu, mấy chỗ tên tuổi lớn thì lại giá cao hơn. Còn có mấy người bán đồ cũ hay hàng xách tay giá mềm hơn nhiều nữa.”

Thật ra nó phân vân cũng đúng. Đối với nhiều người, số tiền này chẳng đáng là bao, nhưng đối với một người chạy Grab cả năm mới gom góp đủ tiền mua thì con số này khá lớn. Chẳng may mua phải đồ dỏm thì cắn lưỡi chả chơi.

“Tao không rành công nghệ lắm, thấy trên diễn đàn TT đồ người ta chỉ coi máy cũ, cách xem hàng xách tay các kiểu để mua được giá tốt, sao cho là người tiêu dùng thông thái gì đó. Mà tao đó giờ không theo dõi mấy cái này, coi chút hoa hết cả mắt.”

“Nếu vậy,” hắn đáp “tao khuyên mày cứ vào mấy chuỗi lớn như Thế giới Di Động mua cho xong.”

“Nhưng hình như theo tao tham khảo trong đó bán giá gần như cao nhất, mà tao cũng không hiểu tại sao giá như vậy mà vẫn có nhiều người mua?”

“Tao biết thế nào mày cũng nói câu này! Nhưng để tao phân tích cho mày nắm:

THỨ NHẤT, KHÔNG PHẢI AI CŨNG LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG “THÔNG THÁI”

Như mày nói ở trên, mày không rành lắm kỹ thuật chuyên các kiểu. Đó giờ mày không có nhu cầu tìm hiểu sâu để biết xem hàng. Nhưng mày có thể an ủi là trên đời này số người như mày rất đông, còn số người hiểu biết rõ thì cao lắm cũng 10-20% là cùng. Nên 80-90% còn lại khi muốn mua đồ giá trị cao như mày thì người ta sẽ chọn những nơi như vậy. Không phải điện thoại không mà những đồ giá trị cao như xe, điện máy, thậm chí là bất động sản cũng có tâm lý như vậy.

THỨ HAI, KHI BỊ GÌ THÌ RẤT NHIỀU NGƯỜI SẼ PHỦI TAY

Mày bỏ ra số tiền lớn để mua đồ, để được thỏa mãn ước mơ, để được an lòng, chứ không phải mua cục tức. Nên mức chênh lệch giá như mày so sánh ở trên thường là số tiền để trả cho sự đảm bảo đó. Mày mua hàng cũ, xách tay hay mấy nơi nhỏ nhỏ, khi máy bị hư hay trục trặc gì, có khi phải tốn kém sửa chữa, tự mang đi bảo hành và rất khó lấy lại tiền. Vì người ta đã bán giá rẻ tức là không tính “trách nhiệm” vô đó, mà đã như vật thì rất dễ cho mày “sống chết mặc bây”.

THỨ BA, BÊN CẠNH MÓN ĐỒ CÒN MUA THÊM CÁI TÂM CỦA NGƯỜI BÁN

Đời không phải cái gì cũng cứng nhắc. Mà chuyện xử lý mềm mỏng thì rất phụ thuộc vào cái tâm của người bán. Như tao mua cái dây da đồng hồ DW, để mấy tháng mới lấy ra xài thì bị bong; chỉ 1 email phản ánh là nhận được ngay 2 cái dây, 1 cái đền bù, và 1 cái tặng vì đã có trải nghiệm khó chịu. Còn tao bán sách qua hệ thống phân phối, khách hàng mua phải sách bị hỏng bìa (rất có thể do lỗi lưu trữ của bên phân phối) nhưng khi phản hồi với phía tao vẫn được tặng luôn miễn phí cuốn mới. Trong từng trường hợp như vậy, mấu chốt không phải là luật lệ ra sao, mà quan trọng là cái tình cái lý. Mà số nhà bán hàng làm được như vậy mà có tiếng thì không phải là nhiều, nên một khi ai đã khẳng định được tên tuổi rồi, khách sẽ an tâm tìm đến.”

Thằng bạn gật gù, ra vẻ đã hiểu vấn đề. Buổi cà phê kéo thêm hồi lâu rồi kết thúc, do nó từ biệt về nhà lấy tiền chiến luôn cho nóng.

Ngày hôm sau, hắn nhận được tin thằng bạn nhắn: “Mày ạ, lúc tối qua, có người chỉ tao coi qua chỗ kia xách tay về, mà tao thấy giá cũng rẻ, nhìn cũng có vẻ uy tín nữa, nên hốt luôn rồi. Vầy chắc không sao đâu ha mày?”

Không sao đâu ha? Một câu hỏi coi như bỏ ngỏ. Thôi thì đành chúc cho nó may mắn vậy…