TẬP và THI

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao ngoài đời không giống trong như trong trường học?

Vấn đề nằm ở trường dạy dở hay do chính bản thân bạn bất tài?

Có lẽ những vận động viên thể thao sẽ biết lời giải cho gút mắc trong lòng biết bao nhiêu con người này.

Hằng ngày, mỗi vận động viên để giữ vững phong độ và cảm giác thi đấu đều phải ra sân luyện tập.

Khi TẬP…

Banh sẽ luôn được đưa đến một tầm đánh để các tay vợt tennis có thể đánh được.

Cầu thủ bóng đá sẽ luôn được đưa bóng đến tầm chân để có thể tung ra cú sút.

Vận động viên điền kinh tập chạy hết sức để về đích nhanh nhất có thể.

Kì thủ sẽ tập luyện lại cờ thế để có thể hình thành nên thế trận có lợi.

Đương nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Nhưng dám chắc rằng, các vận động viên đều có thể hoàn thành được bài tập của mình. Dù ta có tệ đến thế nào đi chăng nữa, huấn luyện viên sẽ luôn tạo ra điều kiện để ta thực hiện động tác.

Mục đích của TẬP là giúp cho người ta CÓ THỂ thực hiện được những động tác định trước.

Nhưng, khi bước ra sân THI, mọi chuyện lại hoàn toàn khác hẳn.

Trong các loại hình thể thao, cuối cùng sẽ luôn có một người chiến thắng.

Nếu mọi người đều CÓ THỂ [đá, đập, đánh, chạy…] theo mong muốn của mình, thì ai sẽ là người chiến thắng?

Để có một người chiến thắng, những người còn lại đã KHÔNG THỂ thi đấu như cách họ mong muốn. Và lý do họ KHÔNG THỂ làm được là vì người chiến thắng đã phá đi ý định của họ.

Bóng đã được đánh rất hiểm hay đá vào góc chết, cờ đã rơi vào thế bí, thời gian bức tốc cuối cùng của đối thủ không như dự liệu…

Trên sân THI, người ta sẽ tìm cách để người khác KHÔNG THỂ làm được như cách họ mong muốn.

Đó chính là lý do tại sao ngoài đời không giống như trường học.

Tất cả những gì bạn đang học là tập để CÓ THỂ thực hiện được một thứ gì đó.

Rất tiếc, sẽ luôn có kẻ nào đó tìm cách làm cho ta KHÔNG THỂ bên ngoài.

Bạn có thể không bất tài, và trường học chưa chắc dở.

Vấn để là bạn luôn chỉ TẬP, nhưng cuộc đời thực thì toàn THI.