Trả qua

“Mệt mỏi quá sức, ước gì tôi có thể ngủ một giấc dậy là lên đỉnh ngay!”

Có bao giờ, trong cơn kiệt sức, bạn thầm ước sẽ đạt được thành công ngay mà không cần phải trải qua quãng thời gian cày cuốc? Nếu đường lên đỉnh vinh quang chứa nhiều nỗi đau và nước mắt như thế, được một bước lên mây thì còn gì bằng. Nhưng, liệu cảm giác đó có thật sự vui sướng, và viễn cảnh đó có hoàn toàn thỏa mãn như ta mong đợi?

Hãy gặp gỡ Michael Newman trong bộ phim Click (2006), một anh chàng kỹ sư cần mẫn có một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp triển vọng. Mặc dù vậy, dưới áp lực của sếp và yêu cầu công việc cao, anh thường xuyên phải làm việc quên giờ giấc và đối mặt với vấn đề cân bằng cuộc sống. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến một ngày nọ, anh tình cờ nhận được một món quà…

Trong lúc dạo quanh cửa hàng nọ để mua sắm đồ cho gia đình, anh chàng phát hiện ra một khu vực có đề bảng “Beyond” (tạm dịch Ngoài tầm với). Tại đây, Newman gặp gỡ một người đàn ông bí ẩn đã đề nghị tặng cho anh một cái remote miễn phí. Điều đặc biệt với cái remote này chính là nó có thể điều khiển được thực tại, và Newman nhận ra mình có thể “trả qua” những thời khắc mệt mỏi, chán chường, không vui trong cuộc sống. Có vẻ như kể từ đây, cuộc sống của Newman sẽ toàn nở hoa.

Quay về thế giới hiện thực, hãy làm quen với Alexander Hleb, tiền vệ bóng đá tài hoa một thời của đội tuyển Belarus. Sau khi thành danh ở giải bóng đá Đức Bundesliga, Hleb đã lọt vào mắt xanh của câu lạc bộ Arsenal ở giải Ngoại hạng Anh. Tại đây, như cá về với nước, phong độ của anh lên như diều gặp gió. Thăng hoa cùng với các cầu thủ khác, anh xém chút nữa đưa được Arsenal đạt chức vô địch mùa bóng 2007 – 2008. Nhưng cú sẩy chân vào thời điểm cuối mùa làm cho Arsenal chỉ là kẻ về nhì, và đối với Hleb, chặng đường đến với vinh quanh dường như vẫn còn rất xa. Đời cầu thủ cũng ngắn, nếu có thể “trả qua” giai đoạn này thì tốt biết mấy. Chính suy nghĩ đó là động lực cho cú gật đầu của anh khi gã khổng lồ Barcelona đến gõ cửa. Trong đội hình của một đội bất khả chiến bại thời điểm ấy, còn gì phải lo nghĩ về tương lai phía trước?

Kể từ sau khi có chiếc remote, cứ hễ mỗi khi cuộc sống gặp chút trục trặc – dù chỉ là nhỏ nhất – Newman cũng “trả qua” cho xong. Tần suất dùng remote cứ tăng dần cho đến khi anh cảm thấy những lần bỏ qua ngắn chưa đủ đô. Trong một dịp muốn tiến nhanh đến thời điểm thăng chức, Newman đã yêu cầu remote tua thật nhanh, và nhận ra thời gian trôi qua đã đến tận 1 năm. Quả thật giờ đây anh đã lên chức, nhưng vấn đề gia đình và những mối quan hệ của anh đang trên bờ vực rạn vỡ. Hóa ra, trong khoảng thời gian trả qua, đối với những người xung quanh, Newman chả khác gì một người máy vô cảm, chỉ biết hoàn thành mọi thứ cho xong. Những lần trả qua kế tiếp cứ thế đưa anh đến thời điểm làm CEO, rồi ông chủ lớn của tập đoàn, nhưng anh không có một chút cảm xúc nào cả. Cho đến khi sắp chết, ông già Newman cố hồi tưởng lại cuộc đời, nhưng đó chỉ là một miền ký ức trống rỗng, vô hồn.

Đương nhiên trong một bộ phim, kết thúc thường có hậu. Newman sau khi nếm trải qua cảm giác tệ hại đó đã hiểu được chân lý của quá trình. Anh tỉnh dậy thấy mình như vừa mơ một giấc mơ trong cửa hàng mua sắm hồi đầu, bỏ luôn ý định “trả qua” cuộc đời, và quyết định tự mình nếm trải. Thế nhưng, đối với Hleb, kết cục lại không may mắn đến như vậy. Chật vật vì không tìm được một vị trí chính thức trong đội hình đầy sao của Barcelona, dẫu đội bóng liên tiếp giành hết cú ăn ba này đến cú ăn năm khác, Hleb vẫn cứ cảm thấy trống rỗng. Chính anh đã từng thừa nhận, vui làm sao được khi những danh hiệu ghi tên mình lại không để lại chút cảm xúc nào, như thể đột ngột mở mắt ra ở cuối con đường nhưng chẳng lưu giữ một ký ức nào cả. Phong độ của anh cứ thế mất dần, rồi ra đi chìm vào quên lãng…

Ngay từ đầu, cái đích của cuộc sống vốn dĩ đã là sự nếm trải. Phật tổ có thể cho Đường Tam Tạng đến Tây Thiên ngay lập tức nhưng chỉ có tự mình trải qua đủ hết nạn kiếp, bản thân ông mới có đủ giác ngộ. Mọi đỉnh cao, mọi thành công đối với mỗi người chỉ có ý nghĩa khi bản thân người đó cảm thấy chân lý chói qua tim – theo đúng nghĩa đen. Đối với mọi người bên ngoài, kết quả là tất cả, nhưng chỉ khi đối diện với bản thân, một người không thể nào tự lừa mình thoát khỏi cảm giác trống rỗng nếu kết quả đó không thật sự thuộc về họ. Nếu đã muốn trả qua, chi bằng cứ như Newman; hãy cứ trả thẳng… cho đến khi chết.

“Chúng ta đến từ hư vô và ra đi về hư vô, cái duy nhất còn sót lại là ký ức, nếu chối bỏ cả thứ đó, thế rốt cuộc sống có khác nào như chết?”