Những trò ma quái: Hiểu biết qua loa và mánh khai thác của những kẻ bán tài liệu

Tiếp thu tinh thần “Stay hungry, Stay foolish” của Steve Jobs, ngày nay, nhà nhà người người, già trẻ lớn bé thay phiên nhau phất cao ngọn cờ khởi nghiệp. Ngắm nhìn làn sóng đang dâng cao này, có rất nhiều kẻ đã nhìn thấy cơ hội kiếm chác, đặc biệt là ở nơi sự nhiệt tình có thừa nhưng hiểu biết về luật còn tù mù như tại Việt Nam.

Khởi nguồn vấn đề phải nói đến những kiến thức sơ bộ về luật doanh nghiệp được nhận thức rất hời hợt. Anh hùng khởi nghiệp luôn nghĩ “có ý tưởng cứu thế giới là được, những thứ khác không quan trọng”, và đó chính là điểm mà những tay ma lanh lựa chọn xoáy vào. Len lỏi giữa ranh giới lừa đảo và mánh bán hàng là một khoảng trống nhỏ, và chỉ cần như vậy, trò ma quái đã có thể phát huy tác dụng.

Ý tưởng của chúng đơn giản như vầy: bán tài liệu tham khảo cho chủ doanh nghiệp mới thành lập. Nghe qua thì không có gì bất thường cả, nhưng vấn đề nằm ở thuật thi triển. Thường thì dù cho tự làm thủ tục hay thông qua dịch vụ, thông tin về doanh nghiệp mới thành lập cũng sẽ được công bố rộng rãi – ở cả kênh chính đạo (cổng thông tin doanh nghiệp) lẫn tà đạo (“hack” thông tin), bao gồm cả tên người đại diện và điện thoại liên hệ.

Nhóm bán tài liệu sẽ cử ra một kẻ có giọng điệu nguy hiểm gọi trực tiếp cho chủ doanh nghiệp, tự nhận là nhân viên của Cơ quan thuế hay Sở Kế hoạch đầu tư. Chúng cũng ưu tiên chọn những doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ một chút để dễ bề múa may. Đương nhiên, muốn người ta tin thì phải làm cho giống thật, kẻ đó sẽ vờ xác nhận lại thông tin về tên doanh nghiệp, ngành nghề, địa chỉ,… Thông tin có sẵn rồi chỉ đọc lại thôi thì làm sao sai cho được, con mồi bắt đầu tin tưởng đây là hàng thật, và buông lỏng đề phòng.

Lúc này đây, kẻ gọi sẽ bắt đầu giở chiêu, nói rằng theo quy định xyz thì người đứng đầu doanh nghiệp cần mua một bộ tài liệu do cơ quan abc ban hành để củng cố kiến thức, giá bán sẽ tầm 400-500.000. Ờ thì, nếu là quy định thì ok thôi, số tiền cũng không phải quá lớn. Ngay khi ở đầu dây bên kia chấp nhận, kẻ gọi sẽ chốt rằng tài liệu sẽ được gửi đến qua đường giao hàng và thanh toán khi nhận y như mua hàng qua các kênh thương mại điện tử. Khoảnh khắc người nhận trả tiền cho nhân viên giao hàng là mọi thứ coi như xong, phi vụ ma quái hoàn tất.

Vấn đề là, làm gì có cái quy định nào bắt phải mua tài liệu, và cũng chẳng hề có cách làm việc của cơ quan nào qua điện thoại như vậy. Nhưng đánh vào tâm lý hiểu biết qua loa của người chủ doanh nghiệp, nhóm bán tài liệu đã dựng nên một màn kịch rất lắt léo. Màn kịch thậm chí còn giống thật hơn khi bộ tài liệu mà người chủ doanh nghiệp nhận là hàng trông cũng có vẻ thật, bao gồm mấy văn bản luật và mấy quy trình liên quan – có điều có thể cóp nhặt để in thành bộ với giá vốn chỉ vài chục nghìn. Thậm chí sau đó, nhiều người chủ doanh nghiệp cũng quăng qua một bên, quên luôn sự tồn tại của bộ này. Một số khác, nếu có nhận ra mình bị chơi cũng tặc lưỡi cho qua vì không biết khiếu nại đầu mối ở đâu và số tiền cũng không quá nhiều để phải dính phiền hà.

Với số lượng doanh nghiệp thành lập mỗi tháng (tính cả hộ kinh doanh) lên đến chục nghìn thì chỉ cần thành công vài trăm lần gọi thôi, nhóm bán tài liệu cũng thu lời khẳm. Sau một thời gian thì cứ đổi số điện thoại, đổi thông tin gửi và thay đổi chiêu thức tiếp cận một chút, nhóm ma lanh này lại bắt đầu bổn cũ soạn lại. Vòng xoáy cứ thế lặp lại, và số nạn nhân ngày càng tăng. Bởi mới nói, vài kiến thức căn bản về luật pháp đôi khi có thể cứu ta thoát khỏi những trò ma quái đơn giản. Nên trước khi làm anh hùng thì hãy tự tìm hiểu để tránh được mấy trò mèo trước đã, đừng “chết” vì thiếu hiểu biết.