Năm 1959, nhà hát Sydney Opera được khởi công xây dựng. Đây sẽ là một trong những công trình kiệt tác sau khi hoàn thành, cả về mặt nghệ thuật thuần túy lẫn biểu tượng tinh thần của nước Úc. Sự kiện quy tụ được sự quan tâm của đông đảo dư luận, từ những người dân bình thường cho đến các kiến trúc sư tài ba trên khắp thế giới.
Quay ngược thời gian 2 năm về trước, một cuộc thi thiết kế rình rang đã được tổ chức với quy mô toàn cầu. Kiến trúc sư thắng cuộc sẽ nhận được số tiền thưởng 10.000 đô la cũng như có được vinh dự tham gia giám sát công trình để đời này. Sau khi mẫu thiết kế Nhà hát Con sò của Jørn Utzon – một kiến trúc sư người Đan Mạch – được chọn, kế hoạch xây dựng nhanh chóng được bàn bạc. Trong cơn hăng say, người ta ước tính thời gian hoàn thiện công trình chỉ cần 4 năm, với kinh phí khoảng 7 triệu đô la. Cả nước Úc ai cũng đinh ninh quốc gia mình sắp có được một tuyệt tác vĩ đại, chỉ cần chờ một mùa World Cup mà thôi.
Nhưng, ông bà xưa có câu, người tính không bằng trời tính. Và trong cơn xui rủi, nó đã rơi đúng vào niềm tự hào của nước Úc. Kế hoạch 4 năm – 7 triệu đô la trên lý thuyết không có gì sai cả, tập hợp những cái đầu nguy hiểm đổ vào một công trình trọng điểm quốc gia như thế, không có lý gì khi nghi ngờ khả năng tính toán của họ.
Vấn đề là, đó chỉ là viễn cảnh tốt nhất (best scenario). Còn Nhà hát Con sò lại gần như rơi vào viễn cảnh tệ nhất (worst scenario). Nhà hát Sydney Opera cuối vẫn được hoàn thành, chỉ có điều trễ hơn dự kiến khoảng… 10 năm thôi. Ai lớn tuổi mà có nguyện ước cuối cùng được thấy nhà hát trước khi nhắm mắt ắt hẳn phải ra đi trong uất ức. Nhưng cú bể deadline này vẫn không sá gì so với số kinh phí bội chi. Từ 7 triệu đô la ban đầu, tổng số tiền nước Úc đã chi khi hoàn thành nhà hát lên đến 3 con số – 102 triệu đô la. Dù sao thì dân Úc cuối cùng cũng có cái để khoe, nên chuyện vỡ kế hoạch này sau đó đã trôi vào dĩ vãng.
Nhưng khoan cười nước Úc vội. Trò lạc quan thái quá này không phải đâu xa, cũng hay xuất hiện ngay trong kế hoạch cứu lấy thế giới của những anh hùng khởi nghiệp. Viễn cảnh đỉnh nhất là trở thành người khổng lồ như Facebook, Amazon đồ, không thì cũng xứng tầm châu lục như Grab các kiểu, tệ hơn thì cũng xưng bá trong nước như Tiki, còn cùi lắm thì chắc cũng kiếm được đồng ra đồng vô, không nhiều nhưng cũng thỏa chí anh hào.
Nhưng đó vẫn chưa phải là cùi nhất. Cùi nhất là thua lỗ, mất hết, mất sạch, mất tiền, mất thời gian, mất uy tín, mất danh dự, mất niềm tin, có thể mất bạn, mất luôn cả bồ [hay vợ]. Đó chính là viễn cảnh tệ nhất (worst scenario). Nếu sau khi cân nhắc kĩ có thể chịu đựng được thì hẵng bắt đầu cũng chưa muộn.
Nước Úc hơi lạc quan thái quá nhưng quan trọng là họ vẫn đủ tiền và thời gian để sửa chữa sai lầm.
CEO Grab nếu lỡ làm có thất bại thì nhà vẫn là tập đoàn các kiểu.
Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Jeff Bezos hình như cũng không phải dạng cùi bắp nếu có lỡ thất bại.
Shark Khoa có thể làm 10 cái start-up chơi cho vui cũng không nghèo.
Mấy quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ vài triệu đô (thường cỡ mấy % quỹ) để tài trợ cho mấy công ty khởi nghiệp đổi thay thế giới, nhưng nếu sứ mệnh thất bại thì coi như mất chỉ một phần tiền.
Tương tự mấy tỷ phú bỏ vài đồng tiền lẻ chơi bitcoin có mất hết cũng không thành vấn đề.
Tất cả là vì họ đã tính đến trường hợp tệ nhất, và dám chắc mình có thể chịu đựng được.
Còn chúng ta, liệu chúng ta đã tính đến viễn cảnh xấu nhất của mình, hay là chưa?