Hầu hết công ty danh tiếng đều có một lịch sử lâu đời qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, một trong những công ty đồng hồ xa xỉ nổi tiếng nhất thế giới lại chẳng có ai thật sự sở hữu trong suốt hơn 50 năm qua. Làm thế nào một công ty như thế lại có thể tồn tại và phát triển?
Năm 1902, Hans Wilsdorf cùng người anh em Alfred Davis thành lập công ty Wilsdorf and Davis tại London, Anh. Vì muốn cho thương hiệu dễ phát âm với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới, 6 năm sau Wilsdorf đăng ký nhãn hiệu “Rolex”. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất làm cho thuế suất tại Anh tăng mạnh, giá vàng và bạc leo thang khiến cho hoạt động của công ty đình trệ. Đứng trước tình thế đó, Wilsdorf quyết định dời công ty sang Geneva, Thụy Sĩ và cái tên Rolex Watch Company ra đời (về sau được đổi thành Rolex, SA).
Khi vợ của Wilsdorf mất, họ chưa có được bất cứ người con nào. Sau khi suy nghĩ, năm 1944, ông thành lập nên một tổ chức có tên Hans Wilsdorf Foundation. Không dự định tái hôn nhưng vẫn muốn cái tên Rolex sống mãi, Wilsdorf để lại di chúc rằng sau khi ông mất, toàn bộ quyền sở hữu Rolex, SA sẽ được trao cho tổ chức nói trên. Không một ai có quyền sở hữu tổ chức này, và hoạt động của nó sẽ được điều hành bởi 5 người trông giữ.
Vậy là, năm 1960, sau khi Wilsdorf mất, Hans Wilsdorf Foundation nắm quyền điều hành công ty. Vốn được đăng ký dưới hình thức phi lợi nhuận, tổ chức này không phải đóng thuế cho nhà nước. Mục tiêu của tổ chức là làm cho cái tên Rolex bất tử và tài trợ cho các hoạt động từ thiện. Vì không phải công ty cổ phần phát hành ra công chúng cũng như không có nghĩa vụ khai thuế, tình hình kinh doanh của Rolex vẫn là một bí ẩn đối với mọi người.
Dưới sự điều hành của một nhóm trông giữ nhưng không ai là chủ, hoạt động kinh doanh của Rolex vẫn thành công đáng nể. Dù không có số liệu cụ thể, một ước tính cho thấy công ty đạt được doanh thu khoảng 4 tỷ đô la mỗi năm. Do không có một ông chủ nào, tất cả số tiền kiếm được được công ty tái đầu tư phát triển, làm từ thiện và tăng cường đãi ngộ cho nhân viên. Cái tên Rolex thật sự trở nên bất tử khi vài nguồn tin cho biết công ty thậm chí đủ tiền hoạt động trong nhiều năm dù không bán được bất cứ một chiếc đồng hồ nào. Với sự bảo đảm của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ cùng chuỗi lợi nhuận bí hiểm bao nhiêu năm qua, Rolex được mệnh danh là tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới làm ra lợi nhuận.
Người đã khuất thì chỉ còn cái tên, Hans Wilsdorf hẳn rất an lòng khi nhìn thấy đứa con tinh thần vẫn sống tốt. Nhiều người đến khi chết vẫn cố nắm chặt tất cả, thế nhưng cách tốt nhất để mọi thứ phát triển là hãy thả tay ra. Rolex không của ai cả cũng có nghĩa là của tất cả mọi người, và thay mặt Wilsdorf, nhiều thế hệ nhân viên sẽ gìn giữ và phát triển nó đến muôn đời sau.