Làm giàu siêu lạ: Richard James và lò xo Slinky

Vào một ngày như bao ngày bình thường, Richard James – kỹ sư tàu thủy như thường lệ đến văn phòng làm việc. Lúc bấy giờ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai đang ở giai đoạn cao trào, các nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm phát triển tàu chiến thường phải làm việc với cường độ cao.

Chịu trách nhiệm thử nghiệm động cơ tàu chiến tại căn cứ quân sự Philadelphia, công việc của Richard thường xuyên dùng đến các thiết bị đo lường. Trong giây phút sơ ý, một đoạn lò xo chuyên dụng bỗng rớt xuống đất và khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời ông. Vốn thường xuyên vùi mình vào công việc, Richard không có nhiều thời gian cho con trai. Luôn tự nhủ sẽ tận dụng mọi cơ hội làm con mình vui, trong đầu ông lúc đó lóe nên một tia sáng. Đoạn lò xo bị rớt khi nãy tự nhiên bị xoắn lại vòng tròn, khi nhặt lên gỡ ra, ông nghĩ mình có thể làm nên một thứ đồ chơi nho nhỏ.

Trở về nhà tối hôm ấy, Richard bàn với vợ về ý tưởng khá điên rồ. Nhận thấy sự hứng thú của con trai, Betty vợ ông quyết định cùng chồng mạo hiểm. Sau khi tra cứu một loạt trong từ điển, họ thống nhất sẽ đặt tên món đồ chơi kì lạ này là Slinky (mang ý nghĩa trơn tuột, biến đổi và thanh thoát).

Năm 1945, hai vợ chồng tiến hành vay ngân hàng một khoản tiền để đặt một công ty sản xuất thử nghiệm. Lượng Slinky ban đầu làm ra không được thị trường đón nhận tích cực. Richard kiên trì thuyết phục các cửa hàng ở Philadelphia cho Slinky thời gian và sự kiên nhẫn đã được đền đáp. Giáng sinh năm ấy chứng kiến một hiện tượng đồ chơi mới, Slinky nổi tiếng khắp nước Mỹ và mở rộng hành trình ra toàn cầu. Về sau, Slinky được hồi sinh với phiên bản nhựa mới, lò xo bảy sắc cầu vòng gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em.

Thứ đồ chơi kì quặc đó cũng mang về cho Richard James khoản lợi nhuận ước tính tầm 250 triệu đô la (hơn 2 tỷ đô la hiện tại). Một chút tình cờ, sự nhạy bén cùng khả năng sáng tạo đã giúp ông trở thành triệu phú. Bởi mới nói, cơ hội xuất hiện khắp nơi, vấn đề là người ta có tận dụng được hay là không, hay chỉ biết chăm chăm than thở. Một bài học nữa về hai chữ “nắm bắt” mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu.