Có thể một số bạn khoảng trên 20 tuổi còn nhớ, lúc xưa, khi xem phim ảnh, người ta không xem bằng USB, cũng không xem bằng đĩa CD, mà phải xem bằng băng video với đầu máy video. Hồi đó, băng video thời lượng rất ngắn, và mỗi lần xem xong muốn tua lại là phải dùng tay quay.
Ở thời đó, mỗi loại băng video có một chuẩn riêng, trong đó 2 chuẩn nổi tiếng nhất là VHS của JVC và Betamax của Sony. Đây cũng là hai đấu thủ nổi trội nhất trong cuộc chiến chuẩn băng video vào những năm 1980.
Ở cuộc chiến này, VHS và Betamax gần như là ngang tài ngang sức. Theo đánh giá chung, thì Betamax mạnh hơn về độ phân giải, âm thanh và độ ổn định hình ảnh. Tuy nhiên, một sai lầm chết người của Sony – cha đẻ Betamax – đã đưa chuẩn video mạnh nhất bấy giờ đi đến bờ vực.
Năm 1975, Sony đã cho ra đời chuẩn Betamax. Lúc này, họ độc chiếm thị trường. Sony không muốn miếng mồi ngon này rơi vào tay ai, nên không hề trao giấy phép (licensing) cho bất kỳ ai sản xuất băng video chuẩn Betamax. Khoảng hơn 1 năm sau, VHS được tung ra thị trường. Khác với Sony, JVC license cho 4 nhà sản xuất khác để họ sản xuất video chuẩn VHS, bao gồm Matsushita, Hitachi, Mitsubishi, và Sharp. Và đây là điểm làm nên thành công của VHS.
Với 4 nhà sản xuất cạnh tranh nhau, chuẩn VHS ngày càng được phát triển. Trong khi đó, Sony đã quá thoải mái khi một mình một cõi, nên họ không có lý do gì phải phát triển công nghệ Betamax nhanh như VHS. Kết quả là, sau thời gian cạnh tranh phát triển của các công ty sản xuất theo chuẩn VHS, thời lượng ghi hình và chi phí của VHS giảm xuống mạnh so với chuẩn Betamax. Với người tiêu dùng lúc đó, đây lại là hai tiêu chí quan trọng nhất, hơn cả độ phân giải hình ảnh và độ chân thực của âm thanh.
Đến đầu những năm 1980, Betamax bắt đầu đuối sức và dần dần mất thị trường vào tay VHS chỉ bởi vì Sony cứ muốn khư khư nuốt hết miếng bánh lớn một mình.
Nhưng rồi thời gian chẳng chừa một ai, kể cả kẻ thắng trận. Băng video dần dần bị thay thế bởi đĩa CD và giờ là đường truyền internet siêu tốc độ kéo tới mọi nhà…