Có câu cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Ê nhưng khoan đã. Nếu như có tiền mà vẫn rất khó mua được thì sao?
Trong một thế giới tràn ngập sản phẩm dịch vụ với đủ thứ sáng tạo độc đáo, rất khó để chen chân khi bản thân ta không có gì neo giữ tâm trí khách hàng. Chỉ cần lên mạng, click chuột vài cái, chúng ta có ngay sản phẩm giao đến tận nhà. Không đủ tiền ư? Dịch vụ trả góp hân hạnh phục vụ. Việc mua sắm dễ dàng đến mức, đôi khi người ta chẳng buồn mua ngay vì “chờ đó, biết đâu nó giảm giá.” Việc luôn luôn có hàng, luôn sẵn sàng giao bất cứ lúc nào dường như lại tập cho khách hang thói lười mua vì sự nuông chiều quá mức. Bản tính con người, cái gì dễ dàng quá thường làm người ta chán ngán.
Đi ngược lại đám đông, một công ty đồng hồ đã tung ra một chiến lược bán hàng hết sức đặc biệt. Để mua được một chiếc đồng hồ của The Fifth bạn phải chờ đến ngày 5 hằng tháng mới được đặt hàng. Và để nhấn mạnh về cái tên thương hiệu của mình, bạn cũng chỉ có 5 ngày để đặt. Vâng, ngày 5 mỗi tháng và 5 ngày để mua, mọi sản phẩm đều freeship toàn cầu. Quá bình đẳng, đúng không? Cho dù bạn có là ai, sống ở nước nào, giàu nghèo ra sao, không có một ưu tiên nào cả, bạn vẫn phải chờ đúng ngày mới mua được sản phẩm.
Trong một động thái tương tự, hãng thời trang Zara cũng rất nổi tiếng với chính sách thay máu sản phẩm của mình. Trong một thời gian chỉ khoảng vài tuần, nếu bạn không mua chiếc áo đó, bạn chẳng còn cơ hội nào để mua nữa. Vốn sở hữu đội ngũ thiết kế hùng hậu, số lượng mẫu mới của Zara ra mắt liên tục, chỉ trong thời gian ngắn sản phẩm mới sẽ tiễn sản phẩm cũ vào kho, và những ai dự tính “sẽ mua” sẽ chẳng thể nào mua được nữa. Mua và phải mua ngay là lựa chọn duy nhất.
Thực ra, trong tiềm thức con người, vốn dĩ luôn tồn tại thứ bản năng sở hữu. Chúng ta không thích dễ dàng, chúng ta thích khó khăn, vì càng khó khăn thì càng ít người có được. Chúng ta khao khát sở hữu những thứ khan hiếm, chúng ta ghét khi nhìn thấy người ta có thứ giống mình. Cảm giác thỏa mãn khi khoe hàng một thứ mà chỉ mình chúng ta có với đám đông thật tuyệt. Tại sao không bán cái cảm giác đó chứ? Tại sao không “sản xuất” cái thứ cảm giác này? Những nhà marketer luôn lắng nghe, và để chiều lòng thượng đế của mình, họ đã tạo ra một sự khan hiếm mới – sự khan hiếm nhân tạo.
“Nhiều khi, mọi người không biết những gì họ muốn cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy.” (Steve Jobs)