Câu khó tính sau

“Làm câu dễ, câu khó tính sau.”

Là một học sinh ưu tú, một tay làm bài kiểm tra chuyên nghiệp, hắn chẳng lạ gì cái quy luật này. Ngay từ nhỏ, thầy cô đã dạy ngay rằng, làm những câu dễ trước, còn để chừa các câu khó trong bài kiểm tra ở phần sau.

Hắn thấy vậy cũng có lí, và hắn nghe theo. Dù gì thì cũng hợp lí, cách làm này chính là cách tối đa số điểm của bài kiểm tra. Nếu lỡ câu khó có… quá khó, thì hắn còn vớt vát được phần dễ. Còn hơn là chả được gì.

Nhưng rồi càng lớn, bước ra đời, hắn thấy mình đã sai.

Không như đề thi với lượng câu hỏi hạn chế, đời con người ngắn lắm, mà số câu hỏi thì vô hạn. Có khi chưa giải xong câu này thì câu khác đã xuất hiện rồi. Và chắc chắn lượng thời gian mà cuộc sống ban cho mỗi con người sẽ luôn không đủ để giải tất cả các câu như đề thi hồi nhỏ.

Đầu óc đã quen với mánh làm đề thi dễ trước khó sau, hắn chợt thấy vô cùng bối rối khi lượng câu hỏi tăng lên không ngừng, để rồi nhìn lại thì trong suốt cả chục năm qua, tất cả những gì hắn làm là tập trung giải quyết những vấn đề dễ, và bỏ lại sau lưng vô số thách thức khó giải hơn.

Buồn thay, cuộc sống không bao giờ như một cái đề thi: giá trị của mỗi con người nằm ở số lượng câu hỏi khó – chứ không phải số câu dễ – mà người đó đã giải quyết được. 10 năm khổ công sửa lỗi chính tả sẽ không khiến ta trở thành đại thi hào. 10 năm khổ công nhập số liệu cũng sẽ chẳng bao giờ khiến ta trở thành nhà phân tích!

Lẽ ra hắn không nên nghĩ cuộc sống là một bài kiểm tra. Lẽ ra hắn không nên tập thói quen né tránh…

… thì cuộc sống hắn đã không vô vị và vô giá trị như bây giờ…